Hỗ trợ y tế tuyến cơ sở - Còn nhiều rào cản

Xuống hỗ trợ nhưng bị... từ chối
Hỗ trợ y tế tuyến cơ sở - Còn nhiều rào cản

Đã qua 1 năm rưỡi triển khai chương trình luân phiên bác sĩ, cơ sở tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới (Đề án 1816) nhưng nhiều vướng mắc vẫn chưa thể tháo gỡ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và cơ chế phối hợp không “ăn ý” đang là những rào cản lớn của cơ sở tuyến dưới khi tiếp cận các kỹ thuật chuyển giao. Ghi nhận tại cuộc giao ban giữa Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến trên tại TPHCM vừa qua cho thấy điều đó.

Kỹ thuật phẫu thuật nội soi được Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM chuyển giao cho các bệnh viện cơ sở. Ảnh: C.T.V.

Kỹ thuật phẫu thuật nội soi được Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM chuyển giao cho các bệnh viện cơ sở. Ảnh: C.T.V.

Xuống hỗ trợ nhưng bị... từ chối

Xác định hỗ trợ tuyến dưới là một trong những nhiệm vụ quan trọng giúp giảm tải cho tuyến trên, nâng cao công tác điều trị cơ sở, BV Tai - Mũi - Họng TPHCM đã tích cực thực hiện Đề án 1816 theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Tuy nhiên, bên cạnh một số mặt đạt được, việc triển khai đề án vẫn chưa thành công.

TS Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết, thường thì bệnh viện tuyến cơ sở hoặc tuyến tỉnh đề xuất yêu cầu chuyển giao kỹ thuật nào họ cần, nhưng vì họ chưa đủ điều kiện cơ sở, máy móc nên… không thể chuyển giao. Có trường hợp BV Tai - Mũi - Họng xuống đề nghị hỗ trợ thì bị từ chối.

TS Dung dẫn chứng đã xuống một bệnh viện cơ sở để hỗ trợ nội soi mũi xoang nhưng cơ sở chẳng có gì để làm cả, đành phải về. “Còn nếu mình mang máy móc cho mượn thì khi rút đi, họ lấy gì làm” - TS Dung nói.

BS Nguyễn Ngọc Anh, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115 cho biết BV có thiện chí giúp đỡ tuyến dưới, nhưng thực tế các bệnh viện tuyến dưới thường không có khả năng nhận chuyển giao kỹ thuật. BV Nhân dân 115 đã tập trung chuyển giao về hồi sức cấp cứu, mổ sọ não, tim mạch nhưng để làm được những kỹ thuật đó, bệnh viện cơ sở phải có ê kíp từ gây mê hồi sức, phẫu thuật viên, điều dưỡng… “Còn nếu hỗ trợ từ A-Z thì sẽ rất khó cho bệnh viện tuyến trên, bù lại tuyến dưới sẽ đạt hiệu quả cao. Bằng chứng là BV Nhân dân 115 hỗ trợ BV Đa khoa Phú Yên thành lập hẳn một khoa Ngoại thần kinh, từ đó tỷ lệ bệnh nhân chuyển viện đã giảm tới 80%”.

Theo lãnh đạo các bệnh viện tuyến trên của TPHCM cũng như bệnh viện thuộc Bộ Y tế (Chợ Rẫy, Răng - Hàm - Mặt Trung ương) vướng mắc chính vẫn là ở tuyến cơ sở. Nhân lực yếu kém, thậm chí không có, cơ sở vật chất thiếu thốn không thể tiếp cận được các kỹ thuật chuyển giao. Hơn nữa, nhiều bệnh viện cơ sở không định hướng được cần hỗ trợ kỹ thuật gì.

Theo BS Lâm Thị Hoài Phương, Giám đốc BV Răng - Hàm - Mặt Trung ương thì trước khi hỗ trợ cần khảo sát kỹ xem tuyến dưới cần gì, đáp ứng được cái gì hãy triển khai giúp chứ không thể cứ cử cán bộ xuống rồi lại không làm gì được. Vậy là mất công, lãng phí, trong khi bệnh viện tuyến trên quá tải. Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng nhiều bệnh viện cơ sở do yếu kém nên không muốn nhận chuyển giao.

Phải đồng thuận từ 2 phía

BS Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trong hơn 1 năm qua, đặc biệt 6 tháng đầu năm 2010, TPHCM đã triển khai khá hiệu quả Đề án 1816 với việc cử gần hơn 500 y bác sĩ xuống cơ sở, chuyển giao 229 kỹ thuật từ dễ đến khó, nâng tổng số kỹ thuật chuyển giao từ tháng 8-2008 đến nay lên 428. “Cơ bản đã hỗ trợ được nhiều cơ sở những kỹ thuật phục vụ khám chữa bệnh tốt cho người dân địa phương. Hiện 31 tỉnh thành phía Nam đều được TPHCM hỗ trợ tích cực” BS Châu nói. Hiệu quả bước đầu là vậy nhưng chỉ mới một số ít cơ sở y tế của các địa phương may mắn được chuyển giao. Phần lớn số còn lại vẫn còn… trông đợi.

BS Trần Thị Phương Thu, Giám đốc BV Mắt TPHCM cho rằng, chính các địa phương cũng phải “vào cuộc” hỗ trợ cho ngành y tế chứ không thể trông ngóng hoàn toàn vào các bệnh viện tuyến trên. BS Thu cho biết BV Đa khoa Hậu Giang xây hoành tráng nhưng khoa Mắt chẳng được đầu tư gì cả. “Muốn chuyển giao kỹ thuật cao chuyên sâu trong khi kỹ thuật thấp thì chưa làm được. Cứ đòi bắn laser mà chưa qua đào tạo lỡ bắn không trúng thì chết” - BS Thu nói.

BS Thu đề nghị chính quyền các tỉnh cần có chính sách đầu tư thêm cho ngành y tế để các bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ thuận lợi hơn. BS Nguyễn Văn Châu cũng kiến nghị phải có sự đồng thuận giữa chính quyền các tỉnh, bệnh viện tuyến dưới với bệnh viện tuyến trên để phối hợp ăn ý. BS Châu nói các bệnh viện tuyến dưới phải tự khảo sát xem nhu cầu, khả năng đáp ứng đến đâu (nhân lực, trang thiết bị, các kỹ thuật khác). Trên cơ sở đó, xác định nhu cầu, lĩnh vực ưu tiên để từng bệnh viện tuyến trên có kế hoạch luân phiên cán bộ y tế ở từng chuyên ngành cụ thể. Ngoài ra, các bệnh viện cơ sở phải có kế hoạch cử người lên bệnh viện tuyến trên học dài hạn từ 6 tháng đến 1 năm hoặc tham gia các lớp sau đại học để được đào tạo bài bản về chuyên ngành. “Ít ra cũng học từ 1-3 tháng để được trang bị kiến thức căn bản nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển giao” - BS Châu nói.

TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh-Bộ Y tế đánh giá, TPHCM là địa phương đi đầu trong thực hiện y tế tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới. Nhưng về lâu dài vẫn chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Ông Khuê cho biết sắp tới sẽ sắp xếp, phân công lại các vùng miền cần hỗ trợ, có chế độ hỗ trợ cho cán bộ y bác sĩ đi luân phiên và BHYT chi trả cho tuyến y tế cơ sở thực hiện được kỹ thuật cao như tuyến trên…

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục