Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Syria ngày càng trở nên cực kỳ nguy hiểm. Từ khoảng 15 tháng qua, đất nước này lún sâu vào những vòng xoáy bạo lực. Viễn cảnh hòa bình xa dần khi các bên đối đầu không chịu nhượng bộ.
Hiện nay, cuộc xung đột giữa chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập được phương Tây hậu thuẫn vẫn tiếp tục căng thẳng. Liên tiếp trong các ngày vừa qua, các cuộc đụng độ giữa quân đội Syria và lực lượng nổi dậy tại nước này vẫn tiếp tục xảy ra tại một số khu vực ngoại ô thủ đô Damacus như Harast, Douma. Vụ thảm sát kinh hoàng ở Houla vừa qua càng thúc đẩy các bên tham chiến và cộng đồng quốc tế gia tăng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria. Nhưng đó là bài toán cực kỳ khó bởi sự bất đồng giữa các phương pháp giải đáp.
Tổng thống Bashar al-Assad đã chấp nhận Kế hoạch hòa bình cho Syria gồm 6 điểm của Đặc phái viên Liên hiệp quốc và Liên đoàn Ảrập, cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan đưa ra. Trong đó, Syria cam kết làm việc cùng với ông Kofi Annan trong một tiến trình chính trị do Syria dẫn dắt, đồng thời cam kết sẽ ngừng giao tranh và ngừng ngay lập tức việc di chuyển quân cũng như sử dụng vũ khí hạng nặng trong các khu vực đông người. Trong khi những hành động này đã được thực hiện, Syria cần hợp tác với ông Annan để chấm dứt mọi bạo lực dưới sự giám sát của LHQ. Ông Annan sẽ yêu cầu phe đối lập có các cam kết tương tự nhằm chấm dứt mọi xung đột. Syria cũng chấp nhận mỗi ngày ngừng bắn hai tiếng để các tổ chức quốc tế vận chuyển người bị thương và phân phát viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân, cam kết tăng cường phóng thích những người bị chính quyền bắt giam và cung cấp địa chỉ nơi đang giam giữ họ, đảm bảo các nhà báo đi lại tự do khắp Syria, cấp visa không phân biệt đối xử cho các nhà báo và cam kết tôn trọng tự do hiệp hội, quyền biểu tình hòa bình được đảm bảo hợp pháp.
Trong khi chưa có một giải pháp toàn diện cho vấn đề Syria, để chấm dứt bạo lực, kế hoạch của ông Annan được cho là bài giải khả dĩ nhất. Nhưng trên thực tế, kể từ khi kế hoạch hòa bình nói trên được chấp thuận, bạo lực không những không chấm dứt mà còn diễn biến phức tạp hơn. Người ta đồn rằng, phe đối lập ở Syria đang lợi dụng khoảng thời gian đàm phán của chính quyền với đại diện LHQ để gia tăng áp lực, lấn chiếm đất, chiếm dân. Nguồn gốc xung đột không bị triệt tiêu thì bạo lực tiếp tục tái diễn là đương nhiên. Vụ thảm sát Houla là dẫn chứng đau lòng.
Hiện nay, Mỹ, Pháp và một số nước muốn Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi. Tân Tổng thống Pháp thừa nhận nguy cơ bất ổn và nội chiến ở Syria, cho rằng sự “ra đi” của Tổng thống Syria Bashar al-Assa là điều kiện tiên quyết và không loại trừ khả năng can thiệp về quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này. Nhưng Nga, Trung Quốc và Liên đoàn Ảrập (AL) lại phản đối can thiệp quân sự vào Syria.
Thực tế phức tạp đang diễn ra ở Iraq và Libya cho thấy hậu quả tai hại của các cuộc chiến tranh xâm lược từ bên ngoài. Giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria là đáp án tốt nhất mà các bên liên quan cần phải kiên trì và có thiện chí. Sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế là cần thiết nhưng quan trọng nhất là để cho người Syria tự quyết định lấy vận mệnh của mình. Nỗ lực cứu vãn hòa bình dù muộn còn hơn là một giải pháp quân sự đẫm máu.
Nguyễn Khắc Đức