Diễn đàn an ninh châu Á hay còn gọi Đối thoại Shangri-La năm nay không còn nóng như một vài năm trước bởi những thay đổi trong chiến lược an ninh của nhiều nước, đặc biệt có hai nước đang được xem đang kình địch nhau ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Mỹ và Trung Quốc.
Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta được một số nước trông đợi điều gì đó cứng rắn đối với Trung Quốc, dường như đã làm nhiều người thất vọng. Nó khác hẳn những gì đại diện của Mỹ tuyên bố một vài năm về trước cũng tại diễn đàn này. Dù tuyên bố Mỹ sẽ huy động 60% tàu chiến đến khu vực châu Á, duy trì 6 tàu sân bay thường xuyên ở đây, nhưng ông Panetta đã bác bỏ quan niệm cho rằng những động thái tăng cường an ninh quân sự gần đây của Mỹ là nhằm kiềm chế Trung Quốc đang trỗi dậy như một cường quốc.
Trong buổi họp báo về scandal Trung Quốc bắt điệp viên Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Hilarry Clinton nói: Mỹ sẽ làm nên lịch sử trong quan hệ với Trung Quốc. Đó là một cường quốc đã hình thành và một cường quốc đang nổi lên sẽ cùng tìm đường không chỉ để tồn tại mà cùng hợp tác - điều chưa từng có trong lịch sử.
Thái độ của Mỹ cũng được thấy qua những tuyên bố gần đây, đặc biệt là tuyên bố chung giữa hai bộ quốc phòng Mỹ - Philippines, trong đó Mỹ nhấn mạnh sẽ hỗ trợ Philippines bảo vệ an ninh bờ biển nhưng không can dự vào các cuộc tranh cãi giữa Philippines với các nước khác trong khu vực.
Cách ứng xử này được ngầm hiểu Mỹ sẽ chọn hợp tác với Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của chính họ trong khu vực, thay cho đối đầu. Đây cũng là bài học cho các nước đang trông cậy vào sức mạnh của Mỹ.
Việc Trung Quốc “né tránh” đối thoại an ninh khu vực làm cho hội nghị không còn nóng nữa và dù với lý do bận lo vấn đề nội bộ, nhưng cho thấy Trung Quốc đã có những tính toán chiến lược để đối phó với áp lực quốc tế về nhiều vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề biển Đông.
Đối với Mỹ, Trung Quốc dường như muốn nói: Tôi không có gì để nói với anh. Đối với các nước có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông thì đây là vấn đề song phương, chúng ta sẽ đàm phán song phương. Tuy nhiên, trong mắt cộng đồng quốc tế thì đó là thái độ thiếu trách nhiệm trong khi nước này đang được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong vấn đề đối thoại an ninh khu vực. Bởi diễn đàn này đâu chỉ nói về vấn đề biển Đông, còn những vấn đề phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên, hợp tác chống khủng bố, chống tội phạm toàn cầu…
Năm ngoái chính Trung Quốc còn công bố Sách trắng quốc phòng, trong đó có nhắc đến “tầm quan trọng của Đối thoại Shangri-La đối với hợp tác quốc phòng khu vực”. Không chỉ vậy, Đối thoại Shangri-La còn được xem là diễn đàn để các nước công khai minh bạch chính sách quốc phòng, nên việc vắng mặt các quan chức quốc phòng cấp cao của Trung Quốc cũng được xem là không có thiện chí.
Tuy trên bàn hội nghị không còn nóng, nhưng không thể nói tình hình an ninh châu Á - Thái Bình Dương đang nguội đi, đặc biệt là khu vực Đông Á. Trung Quốc tránh đối mặt trực tiếp với Mỹ ở Shangri-La, trên thực tế lại làm tình hình phức tạp hơn, bởi cộng đồng khu vực không hiểu ngôn ngữ chính thức của cách hành xử này.
Còn Mỹ, dù lời lẽ không còn gay gắt như trước nhưng đang có những bước đi chiến lược mới, thắt chặt hợp tác an ninh quốc phòng với các nước không chỉ đồng minh mà cả những nước có quan hệ đối tác, một hành động đang làm cho Trung Quốc rất khó chịu.
Với động thái của hai cường quốc, có thể thấy sắp tới đây, châu Á - Thái Bình Dương vẫn tiếp tục là nơi tranh chấp dữ dội quyền lực và lợi ích của họ, khiến nền hòa bình khu vực có nguy cơ nóng lên.
Việt Trung