Các loại hóa chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng bừa bãi trên trái cây, rau xanh, thực phẩm đã làm người tiêu dùng lo sợ. Gần đây, ngay cả các loại như chuối, mít, xoài, sầu riêng, bưởi, hồng xiêm, đu đủ… cũng đang được dùng thuốc nhập lậu để “ép” chín.
Công khai sử dụng
Đáng báo động hiện nay là tình trạng sử dụng các loại thuốc thúc chín trái cây (làm chín nhanh) tràn lan ở nhiều nơi. Trước đây, PV Báo SGGP đã phản ánh hiện tượng các làng chuyên thu mua, kinh doanh hoa quả đầu mối ở huyện Hoài Đức và Đan Phượng (Hà Nội) sử dụng “thúc chín tố” (nhập lậu từ Trung Quốc) để làm chín hoa quả “siêu tốc” nhưng hồi đó cũng chỉ xuất hiện cục bộ. Còn hiện nay, tình trạng đã phổ biến ở khắp cả miền Bắc lẫn miền Nam. Tại miền Bắc, người ta không chỉ thúc chín chuối, đu đủ mà còn áp dụng cả với mít non, nhãn lồng, hồng xiêm, bưởi. Còn ở miền Nam, các nhà vườn đang thúc chín xoài, sầu riêng bằng “thúc chín tố”. Tệ hơn, khoảng 2 năm nay, cơ quan chức năng đã phát hiện “thúc chín tố” nhập lậu từ Trung Quốc còn được sử dụng ướp thịt để bảo quản được lâu hơn, chống ôi thiu…
Tại cuộc họp giao ban gần đây về an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ NN-PTNT ở Hà Nội, Bộ trưởng Cao Đức Phát bức xúc: “Tôi đã nghe nhiều chuyện người ta sử dụng hóa chất bảo quản, làm chín trái cây. Bây giờ khi thu mua, họ mua cả vườn, chứ không chờ từng quả chín để hái. Lúc mang về có quả chín, quả xanh nên phải dùng hóa chất thúc chín đồng loạt, trông cho đẹp mã. Vậy chúng ta phải tổ chức kiểm soát chỗ này thế nào?”.
Trái còn xanh đã hái
Cũng liên quan tới việc dùng thuốc thúc chín là hiện tượng thu hoạch, hái trái non hàng loạt ở nhiều địa phương: trái chưa chín cây đã hái đem đi bán. Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Theo ông Phạm Đồng Quảng, Cục trưởng Cục Trồng trọt, thu hái lúc trái còn non (đầu vụ) sẽ được giá cao, lời hơn. Và trái càng non càng phải “ép” chín. “Hậu quả là trái cây trông ngoài rất đẹp mã nhưng ăn chẳng ra gì” - ông Quảng nói.
Nhưng theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng, hiện nay việc thu hái trái cây ở những vùng chuyên canh hàng hóa, sản xuất quy mô lớn không dễ dàng, vì trái không chín đồng loạt. Và nếu thu hoạch trái chín sẽ khó bảo quản, không thể vận chuyển xa được (đặc biệt là xuất khẩu). Vì vậy mới phải thu hoạch trái non, song cách làm chín truyền thống của bà con trước đây như dùng đất đèn hoặc hương (đốt nhang thơm). Còn hiện nay bà con lại sử dụng “thúc chín tố”. Các loại thuốc thúc chín thuộc nhóm thuốc “điều hòa sinh trưởng”. Ông Hồng cho biết: “Chúng tôi đã thử phân tích “thúc chín tố” thì đây là Ethephon 28%, khi hòa dung dịch thì sinh ra Etylen, giống như một hormone thực vật làm trái cây chín và có mùi thơm”.
Theo ông Hồng, thực ra ở các nước cũng dùng thuốc “thúc chín tố” nhưng các hóa chất an toàn và được phép sử dụng. Còn ở Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật vẫn chưa cho phép sử dụng một loại hóa chất bảo vệ thực vật nào để điều hòa sinh trưởng cả. Mặc dù nhu cầu của bà con rất nhiều, song do không có doanh nghiệp nào đăng ký nhập về theo đường chính ngạch (để cơ quan chức năng khảo sát, đánh giá xem có an toàn không) nên chưa thể đưa vào danh mục được phép sử dụng. Vì vậy, hiện nay vẫn chủ yếu là hàng nhập lậu từ Trung Quốc, đưa về tận các tỉnh ở phía Nam.
Có an toàn?
Trước câu hỏi về tình trạng các loại hóa chất bảo quản trái cây tràn lan, “thúc chín tố” sử dụng gần như công khai, rộng rãi trên hoa quả, Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng trấn an rằng, các cơ quan chức năng hiện nay vẫn đang tích cực ngăn chặn, kiểm soát các thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu và chỉ cho phép sử dụng các loại thuốc nằm trong danh mục đã khảo sát. “Thuốc bảo vệ thực vật nào gây ung thư đều bị loại”, ông Hồng nói và khẳng định, ở các nước phát triển họ cũng phát hiện có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong trái cây, chứ không riêng Việt Nam. Và theo quy định thì nếu dưới ngưỡng cho phép vẫn được coi là an toàn, phải sử dụng nhiều mới có nguy cơ ảnh hưởng. Tuy nhiên Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu cần phải nói rõ loại nào nguy hiểm, loại nào an toàn cho người tiêu dùng và phải kiểm soát mức dư lượng đến hoặc dưới ngưỡng cho phép, nếu vượt là phải xử lý, loại bỏ ngay. Ngay cả với loại thuốc “thúc chín tố”, nếu an toàn thì phải công bố để người dân an tâm.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, có 2 doanh nghiệp đang muốn đưa hóa chất bảo quản an toàn vào Việt Nam và hiện đang ở giai đoạn khảo nghiệm. Dự kiến cuối năm 2013 có thể cấp phép đầu tiên về chất bảo quản hoa quả.
| |
PHÚC HẬU