Giao tranh ác liệt giữa các phe phái đối địch tại Syria vẫn tiếp tục diễn ra, bất chấp các cuộc đàm phán hòa bình Syria đã được nối lại tại Geneva, Thụy Sĩ sau 10 tháng gián đoạn, đe dọa nghiêm trọng nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tìm ra giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này.
Giao tranh để đàm phán
Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở ở Anh, cho biết, các máy bay chiến đấu của quân đội Chính phủ Syria đã tiến hành không kích các khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát ở các tỉnh Deraa, Hama và Aleppo, trong khi phiến quân nổi dậy đã nã rocket vào các mục tiêu của quân chính phủ. Tại tỉnh miền Nam Deraa, nơi giao tranh bùng phát dữ dội trong tuần qua, lực lượng đối lập đã cho nổ tung 1 ô tô chứa bom, trong khi các máy bay trực thăng của lực lượng chính phủ ném bom thùng và nã pháo xuống các mục tiêu của quân nổi dậy tại khu vực ngoại ô phía Tây TP Aleppo.
Theo một đơn vị tuyên truyền của phong trào Hezbollah, lực lượng đồng minh của chính quyền Syria, bao gồm các máy bay chiến đấu của Nga và Syria, đã tiến hành các đợt không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở TP miền Đông Deir al-Zor, nơi vẫn đang bị kiểm soát gần như hoàn toàn bởi IS.
Thành phố Aleppo hoang tàn vì cuộc nội chiến kéo dài
Giới phân tích tình hình Trung Đông nhận định, các cuộc giao tranh bùng phát trở lại trước và trong thời gian hòa đàm dường như là “át chủ bài” của phe đối lập khi vị thế của họ hiện đã yếu đi quá nhiều cả về mặt quân sự và ngoại giao. Tháng 12 năm ngoái, trong khuôn khổ vòng đàm phán về Syria tại Astana, Kazakhstan, nhóm bộ ba Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một lệnh ngừng bắn cho quốc gia Trung Đông và lệnh ngừng bắn này đã làm giảm đáng kể tình trạng bạo lực. Tuy nhiên, hiện giao tranh lại tiếp diễn ở Syria, đe dọa đối với nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tìm ra giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông. Trước thềm các cuộc đàm phán này, Nga đã kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngừng các chiến dịch không kích tại Syria.
Tương lai mù mịt
Trong khuôn khổ cuộc đàm phán hòa bình về Syria đang diễn ra, đặc phái viên Liên hiệp quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura đã kêu gọi các bên đối địch tại Syria chấp nhận trách nhiệm “lịch sử” trong nỗ lực chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 6 năm qua tại Syria. Tuy nhiên, ông De Mistura cũng cảnh báo còn quá nhiều thách thức ở phía trước. Theo ông De Mistura, tất cả các bên đều phải nhận thức: máu tiếp tục đổ, tổn thất cả về người và của nếu đàm phán một lần nữa thất bại.
Phe đối lập Syria cho rằng, các cuộc đàm phán do LHQ bảo trợ trước hết phải tập trung bàn về tiến trình chuyển tiếp chính trị. Trưởng đoàn đàm phán của phe đối lập Syria Nasr al-Hariri thì cho rằng, Chính phủ Syria không muốn bàn về vấn đề này, đồng thời bày tỏ lo ngại về vai trò của Iran trong việc đạt được thỏa thuận.
Vấn đề chuyển tiếp chính trị và yêu sách của phe đối lập đòi Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ bỏ quyền lực luôn là vấn đề gây trở ngại lớn nhất trong các vòng đàm phán vừa qua. Trong khi đó, Chính phủ Syria luôn khẳng định số phận của Tổng thống Assad là vấn đề không thể được đưa ra thảo luận trong các vòng đàm phán.
Cũng liên quan đến vấn đề Syria, ngày 23-2, Hội đồng Bảo an LHQ tuyên bố có thể sẽ bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết trừng phạt Syria liên quan tới việc sử dụng vũ khí hóa học ở nước này vào tuần tới. Theo nguồn tin ngoại giao, Anh, Pháp và Mỹ đang thúc đẩy một lệnh cấm bán trực thăng cho Syria và trừng phạt 11 công dân cùng 10 thực thể của nước này bị cáo buộc có liên quan tới các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học trong cuộc chiến kéo dài gần 6 năm qua tại Syria.
VIỆT ANH (tổng hợp)