Năm 1971, mặt trận Lào nơi tôi chiến đấu ngày càng thêm ác liệt. Thế rồi có một chiều, tôi nhận được lệnh từ đích thân Trung tá Dư Cao - Chính ủy binh trạm, lên đường ngay để làm một nhiệm vụ hết sức đặc biệt, hết sức quan trọng, về ngay Mường Xén, thị trấn nơi biên giới và cũng là nơi cửa ngõ mặt trận để đón nhà viết kịch Thế Lữ do Hội Nghệ sĩ sân khấu Trung ương và Tổng cục Hậu cần cử sang với binh trạm chúng ta. Chao ôi, Thế Lữ của con hổ Nhớ rừng, Thế Lữ của thơ mới, Thế Lữ của Đoàn kịch chiến thắng nổi tiếng từ thời chống Pháp, thật là hết sức vinh hạnh cho binh trạm và những người lính chúng tôi.
Để hoàn thành trọng trách này, tôi lại còn được binh trạm trưởng phát cho một khẩu súng ngắn, điều một chiếc commăngca của Bộ Tư lệnh để đi làm nhiệm vụ… Tôi nhớ đêm ấy, trong khi xe luồn lách qua những hố bom trên đường, tôi lại còn nhiệt tình truyền khẩu cho cậu Kiếu lái xe học thuộc lòng bài thơ Nhớ rừng với hy vọng ngày mai, khi hai chúng tôi gặp nhà thơ - nhà viết kịch Thế Lữ, sẽ quyết chí cùng đọc bài thơ này cho ông nghe, để ông hiểu tình cảm những người lính chúng tôi yêu quý ông thế nào, và cũng thầm để ông biết tâm hồn những người lính nơi mặt trận này ra sao…
Thế mà khi về tới Bãi khách ở Mường Xén, một tình huống dở mếu dở cười hơn cả xem… hài kịch diễn ra: Chẳng hiểu cánh thông tin điện đài truyền tin thế nào, mà nhà viết kịch lừng danh của Trung ương đưa vào với chúng tôi không phải là Thế Lữ, mà lại là Thế Ngữ, một cái tên nói thật lúc ấy nghe lạ hoắc, chúng tôi chưa từng được nghe đến bao giờ. Với một gương mặt dù đeo chiếc kính cận dày cộm, nhưng nhìn cũng không nhỉnh hơn tôi bao nhiêu, nhà viết kịch xuất trình cho tôi giấy giới thiệu của Hội Nghệ sĩ sân khấu Trung ương, của Tổng cục Hậu cần, giới thiệu anh là một cây viết trẻ, được Trung ương đưa vào thực tế ở binh trạm, với hy vọng sẽ viết được những tác phẩm sân khấu phản ánh cuộc sống chiến đấu hào hùng của người lính chúng tôi nơi chiến trường… Nói thật, càng nghe anh nói tôi càng não nề, càng lúng túng, vì chẳng hiểu ngày mai đưa anh về tới binh trạm, thì chính ủy và anh em sẽ thất vọng thế nào khi vị khách quý này đã chẳng phải là nhà thơ - nhà viết kịch Thế Lữ lừng danh mà tất cả đang trông chờ.
Phải nói rằng chính ủy của chúng tôi thật sự là một người hết sức tinh tế. Với một tình cảm chiến trường hết sức thân tình và đậm đà, ông đã phá lên cười rất sảng khoái vì sự nhầm lẫn này của cánh truyền tin, rồi ôm vai nhà viết kịch trẻ: “Thôi, cứ vào rừng mặt trận với chúng tớ, rồi thế nào cũng có ngày cậu có tác phẩm Nhớ rừng thôi, nghĩa là cũng có ngày Thế Ngữ sẽ hóa thành Thế Lữ…”.
Cũng từ ngày đó, nhà viết kịch trẻ Thế Ngữ bắt đầu sống cuộc đời chiến sĩ thực thụ giữa mặt trận như những người lính chúng tôi. Anh mặc quân phục, luôn đeo ngang người một khẩu AK mới được phát để sẵn sàng chiến đấu. Và người lính được mặt trận cắt cử để đón tiếp anh, chăm sóc anh, đưa anh tới các đơn vị, gặp những người chiến sĩ… để anh thâm nhập thực tế chẳng là ai khác mà chính là tôi. Tôi đã đưa anh tới những trọng điểm ác liệt, những khe ngầm quân thù đánh phá dã man, những trọng điểm luôn mịt mù lửa đạn như Phunokcok… và tất nhiên cả những cánh rừng săng lẻ trong nắng trưa dát vàng lung linh và trên mỗi thân cây là những giò phong lan đủ màu khoe sắc…
Do binh trạm chúng tôi có một đội văn nghệ (ngày ấy gọi là Tuyên văn), nên chúng tôi cũng hay mời anh đi biểu diễn ở các đơn vị với đội, góp ý cho các tiết mục, nhất là các tiết mục chèo và kịch nói. Tất nhiên gặp một nghệ sĩ lớn như anh từ Trung ương vào, diễn viên em nào cũng tíu tít và đều mong muốn anh sẽ viết và dàn dựng một vở kịch để làm tiết mục cho đội… Biết anh thích phong lan, các em cũng sẵn lòng rủ anh vào rừng hái hoa cùng anh…
Chính sự chân thành của chúng tôi, những người lính ở một binh trạm thuộc loại ác liệt nhất, đặc biệt là tình yêu vô bờ bến của những người lính chúng tôi với văn hóa nghệ thuật đã tác động mạnh mẽ đến anh, để rồi sau này, Hội Nghệ sĩ sân khấu Trung ương và Đài Truyền hình TPHCM có một nhà viết kịch xuất sắc là anh, dù những ngày ấy, nói thật, anh đã chẳng có một vở kịch hay một trang sách nào viết về binh trạm của chúng tôi. Nhưng thực sự anh lại có cả một cuộc đời sân khấu phía sau...
Số là như sau này anh tâm sự, đời anh trước đó cơ cực lắm, chỉ vì anh xuất thân trong một gia đình mà bố anh là một nhà tư sản đang phải đi cải tạo. Nên dù có mấy người cậu là tướng tá trong quân đội mà mấy lần anh xin lên đường nhập ngũ, tình nguyện vào nơi lửa đạn đều bị chối từ. Anh buộc phải xin đi đào đất, đội đá ở một đơn vị làm đường tàu để có cơm ăn. Nhưng thật may trong bối cảnh ấy, chẳng hiểu thế nào mà có một ngày năng khiếu nghệ thuật trong anh lại phát lộ. Trong một hội diễn, anh viết được vở kịch là Ga xép được nhiều người khen ngợi, rồi Hội Nghệ sĩ sân khấu Trung ương cho anh vào diện cần bồi dưỡng. Và rồi được đưa đi chiến trường tiếng là nói đi thực tế, nhưng thực sự là để thử thách xem anh có đủ phẩm chất chính trị để đi theo con đường nghệ thuật hay không? Và rồi chính những tháng ngày sống giữa nơi lửa đạn, sống với những người chiến sĩ, anh không chỉ chứng minh được phẩm chất của mình, mà nhiều hơn là thực thụ cảm nhận được sức mạnh của nghệ thuật, thực sự hiểu được sứ mệnh của người nghệ sĩ, và cũng chính nơi mặt trận này, tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, tình yêu nghệ thuật đã cùng bừng sáng trong tâm hồn anh, để rồi từ đây anh sẽ sống và hiến dâng suốt cuộc đời cho sự nghiệp sân khấu…
CHÂU LA VIỆT