Cái tin bầu Đức bị đề nghị khởi tố vì hối lộ trọng tài 200 USD khiến nhiều người trong làng bóng Việt Nam giật mình. Lại có một cái tin khiến nhiều người rụng rời: Cựu thủ môn đội Công an Hà Nội – người từng tham gia với Lã Xuân Thắng trong việc thiết kế bàn đá phản lưới nhà lịch sử năm 1997 - đã thắt cổ tự tử tại nhà riêng. Cuối cùng là tin “vơ-đét” của ngày hôm qua: Tin cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Hữu Thắng bị bắt vì tội đưa hối lộ.

Ông Đoàn Nguyên Đức
Số tiền 200 USD mà bầu Đức bị đề nghị khởi tố không thấm vào đâu so với vài ngàn đô “tiền tươi” của doanh nghiệp này móc ra thưởng nóng cho cầu thủ trên sân chỉ vì sướng. Lại cũng chẳng bằng một góc của 10.000 USD mà ông bầu máu mê này hào phóng cho đội U-23 Việt Nam. Chính vì thế mà ông Đức đến giờ cũng rất mạnh miệng với chuyện không đưa hối lộ mà chỉ là lì xì, thưởng Tết cho anh em trọng tài như bao đội vẫn làm.
Thực tế thì chuyện thưởng và quà cáp cho trọng tài đã là chuyện tồn tại rất lâu ở bóng đá Việt Nam rồi nhưng cái cách làm của mỗi đội mỗi khác nhau. Chẳng hạn như ở Sông Lam Nghệ An thường là lo từ A đến Z tất cả những trọng tài đến làm nhiệm vụ từ tiền ăn, tiền ở đến tiền bồi dưỡng mà nói như một nhân viên Sở TDTT Nghệ An phụ trách tuyên truyền là có hẳn “công thức” 15 triệu đồng cho một trận thắng và 5 triệu đồng cho một trận thua. Nghĩa là đàng nào cũng được “lại quả” mang về (dù có bị ép) vì cái gọi là tình thân, sự thông cảm và... còn gặp nhau dài dài (theo ngôn ngữ của giới bóng đá).
Đấy là lý do mà vụ án hối lộ trọng tài cơ quan điều tra sờ đến đâu là lòi ra đến đó, trong đó có hàng loạt trọng tài được Ban tổ chức phong là “đạn bắn không thủng”. Cũng hệt như các đội bóng, lần đến đâu là ra tội đến đấy.
Ông Đức là người hâm mộ bóng đá từ rất lâu nhưng đến với bóng đá và làm bóng đá thì rất mới. Năm 2002, ông nhận đội bóng từ Sở TDTT Gia Lai và bắt đầu làm một cuộc cách mạng trong làng bóng Việt Nam. Ông từng mời thầy từ cái lò Nghệ An về để học và để trao đổi cầu thủ qua việc mời toàn đội Sông Lam lên Pleiku đá trận giao hữu khi Hoàng Anh Gia Lai mới khoác lên chiếc áo mới. Học chính thức cũng có mà học lóm cũng có.
Ông Đức có thói quen vung tiền mỗi khi sướng như từng móc ví 2.000 USD cho Hồng Sơn khi ông đi công tác ở Singapore và ghé sân Jurong xem đội tuyển Việt Nam đá. Với cầu thủ ở đội bóng, ông cũng có cái kiểu thưởng rất quái như móc xỉa liền chỉ vì thấy ghi một bàn thắng đẹp. Cái kiểu cho tiền rất giang hồ đã hình thành từ tính cách của một ông bầu khiến có lúc ông bị chính cầu thủ lợi dụng.
Vụ VFF mời ông làm Trưởng đoàn bóng đá Việt Nam cũng xuất phát từ cái tích cách cho mà không nhận của ông bầu này, nhưng sau này việc ấy không tiến hành được vì phía bên cơ quan điều tra đề nghị.
Nếu chỉ vì 200 USD cho trọng tài làm quà Tết mà ông Đức bị khởi tố thực sự (đến nay mới chỉ là đề nghị khởi tố từ cơ quan điều tra) thì đúng là họa của ông bầu này. Họa bởi ông bước vào lĩnh vực bóng đá lẽ ra phải là được nhiều hơn mất, thế mà đến giờ thì mất nhiều. Họa vì bóng đá làm ông sướng nhưng cũng chính bóng đá làm ông khổ.
Bóng đá đã đưa nhiều tài năng, nhiều tên tuổi lên những đỉnh cao của danh vọng, nhưng bóng đá cũng thật tàn nhẫn khi chôn vùi nhiều tên tuổi và làm điêu đứng nhiều cái tên?
Thực chất thì bóng đá không có tội mà chỉ có những con người làm bóng đá biến nó thành môi trường tội lỗi. Ông Đức làm bóng đá với kiểu một dấu một cửa và học quá nhanh, nhưng cũng chính cái nhanh ấy hại ông.
Lịch sử bóng đá Việt Nam ghi nhận những ông bầu là doanh nghiệp làm bóng đá mang làn gió mới đến cho bóng đá Việt Nam như ông Đức, ông Thắng nhưng cũng xót xa với cái cảnh những con người của bóng đá ấy bị nghiền nát bởi họa bóng đá, Cái họa mà học nhanh, theo nhanh và làm bóng đá nhanh với cái tính cách của mình chưa chắc đã là thành công khi cái môi trường cứ buộc người ta phải lao theo cái vòng xoáy nghiệt ngã ấy.
NGUYỄN NGUYÊN