“Hỏa tốc” đến với đồng bào vùng lũ

Hành trình “đặc biệt”
“Hỏa tốc” đến với đồng bào vùng lũ

Sáng 11-10, biết chúng tôi đang loay hoay tìm phương thức nhanh và an toàn nhất để vận chuyển tiền, hàng của bạn đọc Báo SGGP cứu trợ đồng bào miền Trung, chị Nguyễn Thị Thanh Phương, Trưởng ga Sài Gòn, quyết định: “Để ga Sài Gòn lo” và chị đã ra lệnh: “5 tấn gạo bằng mọi giá sáng mai phải tập kết ở ga Sài Gòn để đầu giờ chiều tàu SH2 chuyển ra Huế. Còn các em, 15 giờ 40 lên tàu SE6”. Không chỉ vậy, biết chuyến đi cứu trợ sẽ gặp không ít khó khăn nhưng chị vẫn tình nguyện làm thành viên của đoàn cứu trợ...

Tặng quà cứu trợ cho đồng bào huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Tặng quà cứu trợ cho đồng bào huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Hành trình “đặc biệt”

8 giờ sáng 11-10, trời vẫn mưa sụt sùi, sau một giờ len lỏi qua những con đường đầy bùn sình, ngập nước và dòng xe kẹt cứng, chúng tôi có mặt tại kho gạo của Xí nghiệp Lương thực Sài Gòn-Satakê ở Bình Chánh. Anh Nguyễn Văn Năm, Giám đốc Satakê, nói: “Đã chuẩn bị xong 100 bao tải loại 50kg/bao cho bà con vùng lũ”. Sau vài câu chào hỏi, nhóm phóng viên chúng tôi lại chung… vai với lực lượng bốc xếp khẩn trương chuyển gạo lên xe.

Khi xe chuẩn bị chuyển bánh mới phát hiện đã đến giờ cấm xe tải vào nội thành. Tính tới tính lui, bí quá chúng tôi “liều” liên lạc với Thượng tá Võ Văn Vân, Phó phòng CSGT Công an TPHCM. Qua điện thoại giọng ông đầy xúc động: “Vì đồng bào miền Trung chúng tôi sẵn sàng tạo mọi điều kiện”. Đường đông, chiếc xe tải bò thật chậm chạp… 12 giờ, xe mới đến ga Sài Gòn. Lúc này chị Thanh Phương đang có mặt tại toa hàng để chỉ đạo chuyển hàng lên toa. Công việc bốc xếp vừa hoàn thành thì cũng là lúc đoàn tàu SH2 kéo những hồi tàu chào tạm biệt sân ga trong cơn mưa tầm tã.

15 giờ 40 phút, chị Thanh Phương cùng đoàn công tác Báo SGGP có mặt trên đoàn tàu SE6 rời ga Sài Gòn để đến với đồng bào vùng lũ miền Trung. Trưởng tàu SE6 Nguyễn Công Thiên, chàng trai Nghệ An, khi hay tin tại toa 10 có đoàn Báo SGGP đi cứu trợ nên đã tạo mọi điều kiện thuận lợi - nhất là công tác an ninh. Để phòng bất trắc, anh tăng cường cho toa số 10 những nhân viên “thiện chiến”. Chúng tôi thật sự xúc động vì nhiệm vụ cứu trợ lúc này đang được mọi người coi như nhiệm vụ đặc biệt. 13 giờ 30 ngày 12, khi SE6 đến Huế, đồng chí Minh, Trưởng ga Huế báo cho chúng tôi biết anh đang tổ chức lực lượng để cùng PV Vũ Văn Thắng (thường trú Báo SGGP tại Huế) đón 5 tấn gạo từ SH2 để chuyển ra Đồng Hới, Quảng Bình.

17 giờ 30 ngày 12-10, tại ga Đồng Hới chúng tôi bịn rịn chia tay nhau - cánh quân thứ nhất gồm PV Minh Anh và Xuân Nghĩa xuống ga này để đến với đồng bào Quảng Bình.

Cánh quân còn lại gồm 3 người, chị Thanh Phương, anh Hồng Lam, Trưởng ban CT-XH Báo SGGP và PV Kiều Mai tiếp tục hành trình và sẽ xuống ga Hương Phố vào lúc 22 giờ 30 phối hợp với PV Dương Quang đến vùng rốn lũ ở hai xã Hương Đô, Phúc Trạch của huyện Hương Khê, Hà Tĩnh để trao số tiền 100 triệu đồng của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), 25 triệu đồng của Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2; 9 triệu đồng của Công ty Liên doanh BV Phamar, Công ty Dược Nam Linh và các bạn đọc hảo tâm…

Nghĩa tình nơi vùng rốn lũ

Đặt chân đến Đồng Hới, PV Minh Anh nhanh chóng phối hợp với PV Minh Phong (thường trú tại Quảng Bình) làm việc với Trung tâm Y tế dự phòng TP Đồng Hới để nhờ… xe cứu thương đưa gạo lên Sơn Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình). Lúc này, PV Minh Anh và Minh Phong lại phải kiêm thêm nhiệm vụ bốc xếp.

Đến Bố Trạch, sau khi trao xong 5 tấn gạo tặng đồng bào xã Sơn Trạch, Liên Trạch, PV Minh Anh và Minh Phong lại lặn lội đi tìm 3 “người hùng trong lũ dữ” Nguyễn Thanh Phương, Hoàng Văn Ninh, Lê Văn Điệp để trao số tiền tài trợ 50 triệu đồng của Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng và 25 triệu đồng của Công ty TNHH Anh Trang (Đồng Hới, Quảng Bình). Số tiền này sẽ giúp các anh dựng lại căn nhà của mình vì lũ đã cuốn trôi trong lúc nước dâng đêm 4, rạng ngày 5-10.

Còn Xuân Nghĩa từ Đồng Hới, cùng nhóm cán bộ Ngân hàng TMCP Sài Gòn tiếp tục vượt 150km đèo núi về xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa để trao 200 triệu đồng tặng 400 gia đình. Đoàn phải đi bằng tắc xi. Trước khi lên xe, anh Cao Quang Cảnh, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình, đã phân trần: “Vì tất cả các xe hội đang đưa các đoàn đi cứu trợ”. Khi đến Tân Hóa, bức tường ở tầng 2 trụ sở UBND xã còn in ngấn nước. Gặp chúng tôi bác Đinh Thị Bóng, thôn Cổ Liêm, cho biết, gia đình bác đang tập trung thu dọn và tìm kiếm những của cải bị mất. Nói đoạn bác cầm tay chúng tôi lắc lắc: “Các chú đến giúp dân lúc này là bà con chúng tôi mừng lắm”.

* Ngày 5- 10, khi thấy cơn lũ gây tổn thất nặng nề cho hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, Ban Biên tập Báo SGGP quyết định nhanh chóng trích 100 triệu đồng và phát động phong trào cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt miền Trung. Ngay sau đó, với tấm lòng thơm thảo, nhiều các tổ chức và cá nhân hảo tâm đã hướng đến đồng bào miền Trung. Trong 2 ngày đầu Báo SGGP đã nhận được 5 tấn gạo từ Công ty Lương thực thành phố, 200 triệu đồng từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn, 100 triệu đồng từ Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)… Tính đến nay bạn đọc đã đóng góp gần 1 tỷ đồng gửi đồng bào vùng lũ khắc phục hậu quả.

Tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh sáng 13-10, trời lại đổ mưa tầm tã. Gần 11 giờ đoàn cứu trợ của Báo SGGP mới đến được trụ sở Ủy ban nhân dân xã Hương Đô. Lúc này cơn mưa càng thêm nặng hạt hơn, bà Nguyễn Thị Hoa, 42 tuổi, ở xóm 9, xúc động: “Từ chiều hôm qua đến giờ chưa có hạt cơm nào. Hôm ni đi nhận tiền và mì tôm của Báo SGGP về nhà tui sẽ cho các con ăn một bữa thật no, số tiền còn lại để dành đong gạo”. Tại đây, đoàn cứu trợ Báo SGGP đã trao 280 phần quà tặng 280 gia đình trong xã có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị thiệt hại nặng do lũ lụt (mỗi phần quà gồm 300.000 đồng và 1 thùng mì tôm).

Rời Hương Đô, đoàn cứu trợ Báo SGGP đến xã Phúc Trạch. Do công tác khắc phục lũ lụt đang diễn ra khẩn trương nên xã bố trí Hội quán xóm 10 làm nơi trao quà cho 150 hộ dân. Mặc dù cơn lũ đã đi qua hơn 5 ngày rồi nhưng xóm làng vẫn còn xác xơ, trên các bức tường của các hộ dân vẫn hằn rõ ngấn nước lũ cao quá đầu người. Tại đây chúng tôi đã kể cho đồng bào nghe chuyện về cụ Ngô Hữu Chức, 87 tuổi, ngụ tại Tô Hiến Thành phường 14, quận 10. Ngày 6-10, khi biết báo SGGP phát động chương trình cứu trợ đồng bào miền Trung, cụ Chức đã đến Báo SGGP gửi tặng 150.000 đồng (bằng 10% số tiền trợ cấp tháng 10 của cụ). Nghe câu chuyện, cầm trên tay những món quà của bạn đọc Báo SGGP những người dân nơi đây không nén nổi những xúc động. Cụ Vinh ở xóm 10 mắt ngấn lệ. Cụ nhắn gửi: “Chú cho bà con tui gửi lời cảm ơn cụ Chức và tấm lòng của đồng bào thành phố mang tên Bác!”.

24 giờ kém 5 phút ngày 13-10, tại ga Hương Phố, chúng tôi lên tàu SE5 trở lại Sài Gòn. Khi biết 3 giờ ngày 14-10, chúng tôi còn phải đón PV Minh Anh và Xuân Nghĩa ở ga Đồng Hới, anh Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng tàu SE5, tươi cười: “Ngày mai cho phép anh em nhà tàu được phép phục vụ “đền bù” phần năng lượng của nhà báo trong đợt cứu trợ nhé”. 0 giờ ngày 14-10, tàu rời ga Hương Phố. Ngoài trời mưa vẫn mịt mù.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục