Hoa trái tết nguy cơ trắng tay

Do ảnh hưởng mưa lũ gây ngập úng kéo dài trên diện rộng khiến nhiều vườn trồng đào cảnh và cam phục vụ dịp Tết Nguyên đán ở Hà Tĩnh đang rụng trái, chết dần...
Hoa trái tết nguy cơ trắng tay

Do ảnh hưởng mưa lũ gây ngập úng kéo dài trên diện rộng khiến nhiều vườn trồng đào cảnh và cam phục vụ dịp Tết Nguyên đán ở Hà Tĩnh đang rụng trái, chết dần...

Đào ngập trong nước

Phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh là một trong những địa phương có thương hiệu nổi tiếng ở tỉnh Hà Tĩnh về nghề trồng đào Nhật Tân. Cũng chính nhờ có nghề này đã góp phần mang lại nguồn thu nhập kinh tế đáng kể, giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống sung túc. Hàng năm, cứ vào dịp giáp Tết Nguyên đán, nhiều hộ dân nơi đây lại tất bật với các công việc chăm sóc, cắt tỉa cành, tạo dáng… Thế nhưng, năm nay do ảnh hưởng của mưa lũ gây ngập úng kéo dài đã khiến nhiều vườn đào bỗng chốc bị héo úa, chết hàng loạt, mặc dù đã thực hiện rất nhiều biện pháp khắc phục nhưng đều bất thành. Người dân đang đối mặt với một vụ mùa trắng tay.

Đứng bên vườn đào, ông Nguyễn Khắc Toàn (67 tuổi, ở khối phố Trung Đình, phường Thạch Quý) buồn rầu: “Hàng chục năm nay, gia đình tôi sống chủ yếu bám vào nghề trồng cây đào Nhật Tân bán dịp tết. Nhưng năm nay mưa lũ kéo dài đã gây ngập úng nghiêm trọng; dù đã làm đủ cách như đào mương thoát nước, đắp đất trồng cao 50-60cm… nhưng đào vẫn héo úa, chết hàng loạt không thể cứu vãn. Đến nay đã có hàng trăm gốc đào bị chết, ước tính thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Hiện những gốc đào nào còn sống, gia đình cố gắng chăm sóc, hy vọng đến tết sẽ vớt vát lại được một ít”. Theo ông Toàn, vụ trồng đào tết năm nay bị thiệt hại nặng nề nhất từ trước đến nay.

Còn gia đình ông Trần Hữu Sỹ (ở khối phố Trung Đình) cũng trồng 150 gốc đào Nhật Tân trưởng thành, qua nhiều tháng bón phân, làm cỏ, vun gốc, đào đã phát triển khỏe mạnh, dáng đẹp và chuẩn bị tiến hành hãm các kỷ thuật để đào nở hoa đúng dịp Tết Đinh Dậu 2017. Nào ngờ, các đợt mưa lũ kéo dài từ giữa tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua gây ngập úng khiến đào bị héo úa rồi chết rũ hàng loạt. “Hiện tại, hơn 50 gốc đào đã chết rũ giữa vườn, chủ yếu là những gốc lớn, thế đẹp, có giá thành cao… Kinh nghiệm trồng đào đã nhiều năm, nhưng đây là lần đầu tiên đào bị chết nhiều như thế, nhìn mà xót lòng. Tết năm nay, nguồn thu từ đào xem như đã tiêu tan”, ông Sỹ chia sẻ.

Bà Lê Thị Tuyết buồn rầu bên những gốc đào bị ngập úng phải chặt bỏ làm củi

Được biết, từ năm 1995, cây đào cảnh Nhật Tân phục vụ Tết được người dân đưa về trồng tại vùng đất phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh, sau đó không ngừng được nhân rộng và trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân. Đến nay, tại phường Thạch Quý có khoảng 35 hộ dân trồng đào với hơn 5.000 gốc. Tuy nhiên, do các đợt mưa lũ vừa qua gây ngập úng toàn bộ đã khiến đào chết rũ hàng loạt, ước tính mỗi gốc đào lớn giá tại vườn đạt 500.000 - 600.000 đồng, khi bị chết gây thiệt hại cho hộ dân ít nhất là 5-10 triệu đồng, nhiều nhất lên đến hàng trăm triệu đồng.

Cam rụng, bưởi thối gốc

Trong khi đó, tại địa bàn xã Hương Đô, huyện Hương Khê, đến thời điểm này cũng đã có hơn 30ha cam Khe Mây do ảnh hưởng mưa lũ, kết hợp sâu bệnh hoành hành khiến bị vàng lá, thối rễ, quả rụng hàng loạt, nhiều hộ dân đối mặt nguy cơ trắng tay. Bị thiệt hại nặng nhất là các hộ ông Đinh Văn Thanh, Nguyễn Văn Vân, Đinh Thị Hằng, Nguyễn Xuân Hoàn, Nguyễn Đình Chiến, Trần Văn Việt, Nguyễn Văn Trọng… Bình quân các hộ này thu nhập từ cam hơn 100 - 300 triệu đồng/năm. Nhưng năm nay dự tính sẽ chỉ thu về vỏn vẹn khoảng 10-50 triệu đồng/hộ. Thậm chí, hàng ngày họ còn phải bỏ thêm một số tiền lớn để thuê lao động về đi gom nhặt quả cam rụng đem đi đổ để tránh nấm bệnh lây lan sang các gốc cây khác. Do cam Khe Mây bị rụng hàng loạt với số lượng lớn và kéo dài nên tâm lý các thương lái cũng không còn mặn mà với việc kinh doanh cam ở Hương Đô, vì vậy càng khiến nhiều người trồng cam thêm lo lắng, sản lượng cam phục vụ thị trường trong dịp Tết Nguyên đán dự báo sẽ giảm mạnh...

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Hương Đô, cho biết toàn xã có 270ha cam, trong đó khoảng 150ha đã cho thu hoạch. Do thời gian vừa qua mưa lũ gây ngập úng khiến hơn 30ha cam Khe Mây của khoảng 40 hộ dân trồng tập trung tại thôn 1, 2, 3 bị thối cuống và rụng hàng loạt, thiệt hại kinh tế rất lớn, trong đó có nhiều hộ gần như mất trắng. Người dân đã tích cực chăm bón, cắt tỉa quả, cành hỏng, đào gốc cây thối rễ chết, cắt cỏ quanh gốc… nhưng số lượng cam rụng vẫn chưa dừng lại. Ngoài ra, hiện nay tại nhiều vườn của hộ dân đang có nhiều gốc cây bưởi Phúc Trạch cũng bắt đầu bị thối gốc chết hàng loạt. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền người dân thực hiện đồng bộ các biện pháp chống úng, phòng tránh dịch bệnh lây lan…; đồng thời, khảo sát chính xác số lượng thiệt hại để báo cáo cấp trên, đề xuất hỗ trợ một số hộ thiệt hại nặng.

DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục