Bão lũ tràn qua đã gây nhiều tang thương, mất mát. Người dân nghèo nơi vùng cát cằn cỗi này đang gắng sức vượt khó, đùm bọc giúp nhau.
Đại diện Báo SGGP (bìa phải) thăm hỏi và gửi tiền cứu trợ
các nạn nhân bị ảnh hưởng thiên tai ở xã Hoài Xuân
các nạn nhân bị ảnh hưởng thiên tai ở xã Hoài Xuân
Nghĩa tình trong hoạn nạn
Cơn bão số 12 kèm theo lũ dồn dập đã nhấn chìm những xóm nghèo dọc bờ biển Bình Định. Đến nay, con đường từ quốc lộ 1A đến Hoài Hương, Hoài Xuân có nhiều đoạn bị xuống cấp. Ngấn lũ vẫn còn vết thấm trên những bức tường. Đón chúng tôi, anh Lê Kim Vận, Chủ tịch UBND xã Hoài Xuân, bắt tay thật chặt, chân thành cảm ơn và xúc động khi biết chúng tôi đã đi xe máy vượt 100km từ thành phố Quy Nhơn đến đây. Anh thở dài kể: “Bão chưa kịp dứt cơn thì mưa lớn kéo dài, lũ dâng nhấn chìm nhiều thôn, xóm. Người dân chưa kịp khắc phục bão đã phải gồng mình chống lũ, khổ lắm! Điều an ủi là làng xóm rất ý thức, tự biết đùm bọc tương trợ nhau, nên sau bão lũ, hầu hết các hộ đã tổ chức lại cuộc sống”. Anh Nguyễn Sinh, 43 tuổi, ở thôn Song Khánh, xã Hoài Xuân, kể: “Tui sống với mẹ già đã 85 tuổi, trong căn nhà cũ dột nát. Nghe tin cơn bão số 12 sắp đổ bộ, tui đưa hết lúa gạo sang nhà hàng xóm để gửi cất giữ. Cơn bão ập đến, tôn, gỗ, gạch… trên mái cứ đổ ầm ầm xuống nền. Tui ôm chặt mẹ nằm trong góc giường, lạy Trời khấn Phật cho bão đi qua. Bão đã xô sập một nửa căn nhà của chúng tôi. Sau bão, hàng xóm ân cần đến giúp mẹ con tui dựng lại nhà để ở, nên được an ủi nhiều lắm”.
Khi liệt kê những món nợ mắc phải sau khi thiên tai gây thiệt hại, bà Nguyễn Thị Kim, 53 tuổi, thôn Nhuận An Đông, xã Hoài Hương, cảm động nhắc đến “món nợ” của xóm làng về tình cảm sẻ chia, tương trợ và cả sự giúp đỡ bằng tiền. Bà Kim sùi sụt kể: “Ngày bão đến (4-11), con trai và chồng tui đi tàu cá bị bão đánh bật lên núi đá phường Ghềnh Ráng (Quy Nhơn). Mừng vì không mất chồng con, nhưng rất lo về khoản nợ ngân hàng chất chồng ngót 900 triệu đồng vay đầu tư tàu cá, nay đã bị bão nuốt chửng. Tàu bị bão đánh vào ghềnh đá tan tành, nợ nần chất ngất, chẳng biết phải làm sao. Sợ ngân hàng đến siết nhà thì không biết ra bụi nào để ở đây”.
Gắng sức vượt khó
Cũng vào buổi sáng định mệnh 4-11 đó, khi nghe tin bão số 12 đang đổ vào bờ, những con tàu từ biển xa ồ ạt kéo nhau về neo chặt ở cảng bờ. Tàu của anh Trần Văn Kiệt, 47 tuổi, thôn Thiện Đức Đông, xã Hoài Hương, trở về muộn hơn, nên gặp phải bão. Sóng lớn ập tới xô mạn, con tàu gỗ bị bão đánh nát, rồi chìm hẳn. Trong 3 thuyền viên, có 2 người được một tàu hàng cứu vớt, còn anh Kiệt chủ tàu bị mất tích. Sau bão, thi thể anh được tìm thấy ở tận vùng biển Phú Yên. Nghe chúng tôi hỏi thăm và chia buồn, chị Lê Thị Mỹ Loan, 46 tuổi, vợ anh Kiệt, ứa nước mắt nghẹn ngào kể: “Vợ chồng chung sống ròng rã 20 năm, nhưng vẫn chưa thể cất được căn nhà để ở. Mới đây, có tiền dành dụm, vợ chồng tui vay mượn làng xóm, anh em để đủ tiền đóng một con tàu gỗ, mong đổi đời. Tuy vậy, việc làm ăn cũng chẳng khấm khá mấy, có được bao nhiêu là lo trả nợ. Giờ tàu chìm, chồng chết, tui chẳng biết làm sao. Thật cảm động khi thấy làng trên, xóm dưới ai cũng thương xót, an ủi, sẻ chia. Mọi sự đều nhờ vào chính quyền, làng xóm”.
Chị Đặng Thị Hồng, 37 tuổi, ở thôn Vĩnh Phụng 1, xã Hoài Xuân, cũng bị mất chồng do bão nhấn chìm tàu. Đã vậy, cơn bão dữ còn quật nát căn nhà của mẹ con chị. Con trai 11 tuổi, lại đang bị khối u trong đầu. Chị kể với chúng tôi niềm cảm kích về sự thương yêu, đùm bọc của xóm làng. Sau cơn bão, xóm làng kéo nhau đến giúp dựng lại nhà cho chị Hồng. Chính quyền xã Hoài Xuân đã vận động nhiều nguồn trợ giúp và đưa gia đình chị vào diện hộ nghèo để được hưởng chính sách.
Anh Trương Công Sướng, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Hương, cảm ơn Báo SGGP và bạn đọc Báo SGGP với tình dân tộc, nghĩa đồng bào đã cùng chung tay đóng góp, thiết thực chia sẻ gian nan của đồng bào miền Trung, góp phần động viên bà con vượt qua mất mát, ổn định cuộc sống.