Hoãn binh

"Quả bom cho cuộc chiến thương mại hàng không toàn cầu dường như đã được gỡ bỏ”. Đó là lời nhận định chung của giới chuyên gia sau khi Ủy ban châu Âu (EC) quyết định tạm dừng kế hoạch buộc các hãng hàng không trên thế giới phải mua giấy phép phát thải khí CO2 khi sử dụng các sân bay ở châu Âu (trừ các nước thành viên EU vẫn phải thực hiện kế hoạch trên).

Đây là nguyên tắc “người nào thải ra, người đó trả”, qua đó khuyến khích các hãng hàng không giảm thiểu lượng CO2 mà họ thải ra. AFP cho biết gần một năm qua, vấn đề này liên tục vấp phải sự phản đối gay gắt của khoảng 30 quốc gia trên toàn thế giới, đa phần là các quốc gia ngoài EU như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc…

Theo những nước phản đối, biện pháp trên của EC được cho là sai về lý. Các nước cho rằng biện pháp đơn phương của EC là hành vi xâm phạm chủ quyền của họ. Theo lý lẽ của các quốc gia trên, bất cứ đề xuất nào liên quan đến vấn đề phát thải khí nhà kính đều phải do Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đưa ra. Trên thực tế, các công ty hàng không đã phải chi trả thuế CO2 thông qua sự ràng buộc của pháp luật quốc gia. Quốc hội Mỹ đánh giá biện pháp này không phù hợp với Công ước về hàng không dân dụng quốc tế năm 1944 và trái với hợp tác quốc tế đối với việc giải quyết có hiệu quả việc ngành hàng không phát ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Nếu EU cứng rắn giữ quan điểm của mình, điều này có nguy cơ gây rối loạn thị trường và ngành hàng không phải trả thuế này với mức 17,5 tỷ USD trong 8 năm tới, trong khi các hãng hàng không trên thế giới cũng đang hứng chịu những áp lực, khó khăn từ khủng hoảng kinh tế. Phía Trung Quốc nói thuế phát thải CO2 sẽ khiến các hãng hàng không Trung Quốc tăng chi phí 120 triệu USD. Trung Quốc đã cấm các hãng hàng không của nước này tham gia chương trình mua bán hạn ngạch khí thải carbon theo quy định EU. Tương tự, Quốc hội Mỹ cũng đã bỏ phiếu thông qua việc cấm các hãng hàng không Mỹ tham gia chương trình mua bán hạn ngạch khí thải carbon của EU.

Một điều bất cập nữa là ngay trước khi tuyên bố tạm dừng kế hoạch của mình, EU vẫn chưa cụ thể hóa hình thức đánh thuế mà còn để cho các công ty nước ngoài có thời hạn phát thải khí này trong năm 2012, thậm chí cho đến ngày 30-4-2013 mà không phải chịu mức phạt nào.

Quyết định tạm dừng kế hoạch trên của EU còn đi kèm với động thái đề nghị ICAO trong 12 tháng tới phải đưa ra phương án giải quyết vấn đề của cơ quan này. Trong trường hợp ngược lại, EC sẽ tiếp tục đề xuất thực thi kế hoạch nói trên. Rõ ràng, châu Âu vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ ý định của mình, có điều hiện chưa phải là lúc thích hợp để áp dụng. Hơn nữa, nếu các nước bị “trói” vào giấy phép phát thải khí CO2, nhiều khả năng họ sẽ trả đũa bằng cách nhắm vào các công ty hàng không châu Âu, vốn đang trong giai đoạn “dễ bị tổn thương” với hàng loạt vụ cắt giảm lương, đình công liên tục diễn ra trong thời gian gần đây.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục