Đội tuyển petanque Việt Nam tại SEA Games 24

Hoàn thành chỉ tiêu, nhưng...

Có mặt tại đấu trường SEA Games từ năm 2001, nhưng phải đến đại hội này, petanque Việt Nam mới đoạt được HCV dù đã từng 4 lần lên ngôi vô địch châu Á. Tổ chức 9 nội dung thi đấu, Thái Lan từng tuyên bố sẽ đoạt 6 ngôi đầu, nhưng chỉ tiêu này đã không hoàn thành khi họ chỉ giành 4 HCV, 5 HCV còn lại thuộc về Campuchia (2), Lào (2) và Việt Nam (1).

Có mặt tại đấu trường SEA Games từ năm 2001, nhưng phải đến đại hội này, petanque Việt Nam mới đoạt được HCV dù đã từng 4 lần lên ngôi vô địch châu Á. Tổ chức 9 nội dung thi đấu, Thái Lan từng tuyên bố sẽ đoạt 6 ngôi đầu, nhưng chỉ tiêu này đã không hoàn thành khi họ chỉ giành 4 HCV, 5 HCV còn lại thuộc về Campuchia (2), Lào (2) và Việt Nam (1). 

Hoàn thành chỉ tiêu, nhưng... ảnh 1
Bi thủ Thạch Hữu Tâm mang về chiếc HCV duy nhất cho petanque Việt Nam tại SEA Games 24. Dũng Phương

Căn cứ vào thực lực, các nước thường tập trung vào một số nội dung để tranh chấp huy chương. Thái Lan chú trọng bộ ba vì đây là nội dung có giá trị nhất và luôn hiện diện ở các giải vô địch thế giới cùng với nội dung thi kỹ thuật. Trong lúc đó, Campuchia quan tâm đến các nội dung đôi và đơn. Ở nội dung đơn, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đều ngang cơ và HCV thuộc về những VĐV tận dụng được cơ hội trên sân đấu.

 Trước khi vào cuộc, petanque Việt Nam đã xác định đoạt HCV ở nội dung đôi nữ với 2 bi thủ Trần Thị Phượng Em/Ngô Hồng Lê. Thắng 2 trận, thua 2 trận ở vòng đấu bảng, trong đó có trận thắng Thái Lan 13-1, Phượng Em/Hồng Lê xếp hạng 2. Nhưng thật bất ngờ, khi gặp lại Thái Lan ở bán kết, Phượng Em/Hồng Lê thua lại 2-13!
 
Nội dung đôi nam, tuy lão tướng Võ Văn Bé có trình độ bắn bi khá tốt, nhưng lại không vượt qua áp lực tâm lý trong những thời điểm quyết định, còn Võ Văn Lâu chỉ chuyên về bo bi. Trong trận chung kết với Campuchia, cũng vì áp lực tâm lý mà Võ Văn Bé đã bắn hư 2 quả từ cự ly chỉ có 6 m, đành chịu thất bại 9-13. Thạch Hữu Tâm/Vũ Thị Thu dù không được kỳ vọng nhưng lại đoạt HCV đôi nam-nữ bằng những cú bắn bi chính xác của bi thủ Hữu Tâm.
 
Đáng buồn nhất phải kể đến nội dung bộ ba nữ, xếp hạng nhì vòng đấu bảng với 5/6 trận thắng. Từng thắng đối thủ yếu là Philippines 13-1 ở vòng bảng, nhưng khi tái ngộ ở bán kết thì lại thất bại 8-13. Nếu giải quyết tốt những tình huống quyết định vừa nêu, petanque Việt Nam hoàn toàn có khả năng giành thêm 1 HCV và 1 HCB, chứ không chỉ dừng lại với thành tích 1 HCV, 1 HCB, 6 HCĐ.
 
Theo HLV Bùi Công Phú, qua đại hội lần này, trong lúc Campuchia vẫn giữ được sự ổn định thì Thái Lan và Lào không còn mạnh như trước, và 2 chiếc HCV của Lào đều ở nội dung thi kỹ thuật. Đội nam Việt Nam không thua kém Campuchia và Thái Lan bao nhiêu, nhưng đội nữ còn phải phấn đấu nhiều hơn. Dù đã hoàn thành chỉ tiêu nhưng petanque Việt Nam vẫn chưa kết hợp được sức mạnh trong đội tuyển khi lực lượng bị chia hai nơi tập huấn: các tuyển thủ Phước/Phong/Duy/Xuân (thi nội dung bộ ba nam) tập huấn tại TPHCM, trong lúc các VĐV còn lại tập huấn tại Hà Nội. Nếu tập trung đội nam vào một mối thì các nội dung sẽ được sắp xếp hợp lý hơn (chẳng hạn như tăng cường Võ Văn Bé làm tay bắn chủ lực cho bộ ba) và chắc chắn đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, sự bảo thủ, không thay đổi kỹ thuật theo xu hướng mới của một số VĐV cũng cần được rút kinh nghiệm nghiêm túc để chuẩn bị cho giải vô địch châu Á (ở Đài Loan) và vô địch thế giới nữ (ở Trung Quốc) vào năm sau.  

HOÀNG THỊNH

 Thông tin hậu SEA Games 24

 SINGAPORE BẮT ĐẦU CHUẨN BỊ CHO SEA GAMES 2009

 Vừa dứt SEA Games 24, lãnh đạo ngành thể thao đảo quốc sư tử cho biết sẽ bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị cho kỳ đại hội kế tiếp ở Lào vào năm 2009. Theo đánh giá của quan chức thể thao nước này Low Teo Ping, việc Singapore giành được 43HCV được coi là khá thành công trong bối cảnh phải chịu sự cạnh tranh khá quyết liệt từ các đoàn trong khu vực.

Chuẩn bị cho SEA Games 25 ngay từ bây giờ có thể giúp thể thao nước này đạt được thành tích cao 2 năm sau. Chủ tịch Ủy ban Olympic Singapore, ông Oon Jin Teik cho biết: "Kinh nghiệm quốc tế ở SEA Games 24 sẽ giúp các tuyển thủ của chúng tôi phát huy ở kỳ đại hội tiếp theo. Nhưng, để đi đến thành công thì ngay từ lúc này, họ phải tập trung rèn luyện chuyên môn kỹ lưỡng và quan trọng là phải nghĩ đến những thành tích cao hơn ở kỳ đại hội vừa qua". Các môn thể thao mà thể thao Singapore coi là "mỏ vàng" là bóng bàn, bơi lội, điền kinh, billiards & snooker, bắn súng, thể dục… sẽ được tập trung đầu tư nhiều hơn nữa kể từ đầu năm 2008.

 ĐIỀN KINH MALAYSIA THẤT VỌNG
 
Chỉ tiêu trước giờ lên đường sang Thái Lan của điền kinh Malaysia là sẽ giành được ít nhất 10 chiếc HCV, thế nhưng, rốt cuộc các VĐV chỉ lấy được 7HCV, kém hơn 3 chiếc so với mức đề ra ban đầu.

Đây được coi là thất bại đáng buồn của điền kinh Malaysia trong năm 2007, khi mục tiêu qua mặt Việt Nam (giành 8 HCV, xếp nhì toàn đoàn) đã bất thành. Lãnh đạo Hiệp hội điền kinh nghiệp dư Malaysia (MAAU) chỉ tỏ ra ấn tượng với chiếc HCV môn nhảy cao nam (do Lee Hup Wei giành được), cũng như chiếc HCV ở nội dung 4x400m nam và HCV cự ly 110m rào nam (của Rayzam Shah Wan Sofian). Còn lại, 4 chiếc HCV ở các nội dung nhảy sào nữ, ném lao nữ và 20km đi bộ nam, nữ đều nằm trong tính toán của BHL ĐTQG. Hai nội dung bị cho là kém cỏi là 100m rào nữ (Moh Siew Wei chỉ giành HCB) và nhảy xa nữ (Ngew Sin Mei giành HCĐ).
 VIỆT HÙNG

Tin cùng chuyên mục