Hoàn thiện thể chế là ưu tiên số 1

Ngày 6-2, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 11 bộ, cơ quan về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật và có hiệu lực pháp luật từ 1-7-2020.

Các bộ tham gia buổi làm việc gồm: Công an, KH-ĐT, Nội vụ, Y tế, NN-PTNT, Tư pháp, Công thương, GTVT, Tài chính, Xây dựng, TN-MT và Thanh tra Chính phủ.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ, tới nay còn nợ đọng 24 văn bản hướng dẫn các luật có hiệu lực từ 1-1-2020 và các luật đã có hiệu lực từ trước đó, gồm 21 nghị định và thông tư thuộc phạm vi quản lý của 6 bộ, trong đó Bộ Công an có 15 văn bản, gồm 12 nghị định và 3 thông tư. Cùng với đó, để hướng dẫn các luật có hiệu lực từ 1-7-2020, các bộ cần ban hành và trình ban hành 62 văn bản, gồm 35 nghị định và 27 thông tư, trong đó 11 bộ tham dự cuộc họp có 22 nghị định và 16 thông tư. Tại cuộc họp, các bộ, cơ quan đã giải trình, báo cáo cụ thể tình hình xây dựng, trình văn bản nợ đọng, cam kết thời gian hoàn thành; đồng thời báo cáo tiến độ và thời gian hoàn thành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh sắp có hiệu lực. 

Bộ Công an nêu nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nhiều vấn đề hoàn toàn mới, chưa có thực tiễn như về cưỡng chế thi hành án với pháp nhân thương mại (hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự). Có những vấn đề rất khó, nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của cả trong và ngoài nước như các văn bản hướng dẫn Luật An ninh mạng…

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan nêu thực tế, có những luật cần quá nhiều văn bản hướng dẫn. Sắp tới, Văn phòng Chính phủ sẽ trình Chính phủ một giải pháp là nếu với các vấn đề thuộc phạm vi quản lý của một bộ thì chỉ ban hành một nghị định hướng dẫn, một thông tư hướng dẫn. Khi đó sẽ giảm được rất nhiều số lượng văn bản cần xây dựng.

Sau khi nghe các bộ báo cáo, giải trình và cam kết thời hạn hoàn thành các văn bản, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu các vụ, cục của Văn phòng Chính phủ khẩn trương xử lý các văn bản đã được các bộ trình. Thủ tướng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế là ưu tiên số 1, phải bảo đảm tiến độ, trừ những văn bản có lý do rất chính đáng, những vấn đề rất nhạy cảm cần xem xét rất kỹ lưỡng, còn những vấn đề về quy trình, thủ tục, công tác phối hợp thì các bộ cần cùng Văn phòng Chính phủ xử lý dứt điểm. Làm mạnh mẽ, quyết liệt như chống dịch. 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ ngày 5-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV thì cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh. Công tác xây dựng pháp luật, cải cách hành chính cần tiếp tục được chú trọng, coi là trọng tâm của năm 2020. Các chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở bước phát triển kinh tế - xã hội thì phải sửa đổi, bổ sung ngay, không được chậm trễ. Các bộ cùng Văn phòng Chính phủ phối hợp tháo gỡ từng việc một để ban hành các văn bản sớm ngày nào tốt ngày đó. Cần có cách làm cụ thể, theo đó, bộ chủ trì dự thảo dành thời gian xử lý dứt điểm, do bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, còn Bộ Tư pháp dành thời gian thẩm định nhanh các dự thảo, các bộ cho ý kiến khẩn trương, không để “om” hàng tháng. Văn phòng Chính phủ cũng sẽ lấy ý kiến các thành viên Chính phủ rất nhanh và sau khi có ý kiến thành viên Chính phủ, Văn phòng Chính phủ sẽ mời các bộ lên làm việc tại Văn phòng Chính phủ để tiếp thu ý kiến, gọt giũa câu chữ... “Như vậy, công việc sẽ chạy rất nhanh, thậm chí chỉ cần nửa ngày thay vì hàng tháng nếu làm theo cách cũ là chuyển các ý kiến thành viên Chính phủ về lại bộ chủ trì. Bộ nào chậm thì vụ, cục theo dõi của Văn phòng Chính phủ phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Tin cùng chuyên mục