Hoạt động “giám sát lại” được chuẩn bị từ sớm, từ xa

Sáng 17-11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại 62 đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trình bày báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023 và triển khai chương trình giám sát năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhận định, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, là năm bản lề quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, hoạt động giám sát của Quốc hội đã được tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ, bảo đảm tiến độ, hoàn thành toàn bộ các nội dung theo kế hoạch.

Đặc biệt, trong năm, lần đầu tiên, Quốc hội đã tiến hành giám sát đồng thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn các chương trình bắt đầu triển khai thực hiện. Qua đó, thể hiện rõ quan điểm, sự nỗ lực, đồng hành của Quốc hội cùng Chính phủ tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trong triển khai thực hiện các chương trình.

Bên cạnh đó, theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hoạt động “giám sát lại” được triển khai với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã dành 2,5 ngày để xem xét và tiến hành chất vấn việc thực hiện của các cơ quan liên quan tới 21 lĩnh vực được nêu trong 10 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn.

“Khác với 3 phiên xem xét việc thực hiện các nghị quyết trước đây, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 có sự đổi mới trong cách thức tổ chức chất vấn. Theo đó, các vấn đề chất vấn được chia thành 4 nhóm lĩnh vực. Từ đó, tạo thuận lợi cho việc chất vấn của đại biểu Quốc hội cũng như việc trả lời của người được chất vấn, vừa bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, vừa bao quát được các lĩnh vực đã được giám sát”, ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: QUANG PHÚC

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: QUANG PHÚC

Bước sang năm 2024, để triển khai có hiệu quả giám sát các chuyên đề, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, các đoàn giám sát cần tận dụng tối đa các tài liệu, hồ sơ sẵn có về sơ kết, tổng kết, đánh giá những nội dung có liên quan đến chuyên đề giám sát, nhất là những nội dung mới được sửa đổi trong các luật vừa được Quốc hội thông qua để tổ chức triển khai có hiệu quả; phát huy kinh nghiệm đổi mới tổ chức các đoàn giám sát đã thực hiện trong nửa nhiệm kỳ qua để tổ chức hoạt động giám sát phù hợp, khoa học.

Trong đó, cần tập trung vào giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, khâu tổ chức thực thi để luật sớm đi vào cuộc sống và được thực hiện nghiêm minh; đồng thời, các kiến nghị giám sát cần được nghiên cứu, chắt lọc sâu sắc, sát với tình hình thực tiễn, bảo đảm khả thi.

Phát biểu gợi ý thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị đại biểu làm rõ những kết quả nổi bật đạt được và những nội dung đổi mới trong các hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023. Bên cạnh đó, đại biểu cần thảo luận, làm rõ thêm về nhận định tình hình trong năm 2024 và những đặc điểm lớn chi phối đến hoạt động giám sát của Quốc hội; về mục tiêu, yêu cầu cần đạt được trong hoạt động giám sát năm 2024; các nhóm giải pháp, vấn đề trọng tâm, đột phá.

“Làm sao để chọn vấn đề gọn, nóng nhất, chuẩn bị và tiến hành giám sát nhanh, thời gian ngắn, kiến nghị giải quyết những vấn đề cấp bách, khả thi”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục