Đó là nhận định của Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Trần Minh Tuấn về hoạt động ngân hàng tại TPHCM trong Hội nghị tổng kết tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn TPHCM năm 2011 và phương hướng nhiệm vụ năm 2012 vào ngày 10-1. Theo ông Tuấn, suốt thời gian qua, các ngân hàng chưa thống nhất trong cách thực hiện chủ trương của NHNN mà mạnh ngân hàng nào ngân hàng nấy làm, biến hoạt động ngân hàng trở thành một cái chợ, ai muốn hét giá bao nhiêu thì hét.
Tái diễn đua lãi suất
Tại hội nghị, vấn đề về lãi suất được các ngân hàng đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết, một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong hoạt động ngân hàng là do việc cạnh tranh không lành mạnh ngày càng phổ biến. Các ngân hàng thương mại (NHTM), đặc biệt là các nhóm NHTM cổ phần trong nước cạnh tranh thu hút khách hàng bằng lãi suất đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, nhất là khi thị trường biến động và nền kinh tế gặp khó khăn như 2 năm vừa qua.
Trong khi đó, đối với tổ chức tín dụng (TCTD), cạnh tranh bằng lãi suất, tiềm ẩn rủi ro bởi chi phí vốn cao, lãi suất cho vay cao… Chính những yếu tố đó đã tạo ra những khó khăn cho chính các TCTD trong nước.
Bà Trương Thị Thúy Nga, Giám đốc Vietcombank TPHCM, cho biết, hiện nay lãi suất lại biến động, tái diễn tình trạng “đua” lãi suất của một số ngân hàng. Bà Nga cũng báo động tình trạng đạo đức nghề nghiệp của các nhân viên ngân hàng nhằm lôi kéo khách từ các ngân hàng khác.
Ngoài thị trường 1 (hoạt động huy động và cho vay giữa các NHTM và người dân) thì thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) cũng là vấn đề rất được quan tâm. Các ngân hàng cũng cho rằng, thị trường liên ngân hàng từ khoảng quý 4- 2011 đã trở nên căng thẳng, trong khi đây là thị trường không thể thiếu nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của các ngân hàng với nhau.
Ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng Giám đốc ACB, ví thị trường liên ngân hàng như là một cái hồ lớn thông với sông. Khi sông thiếu nước thì sẽ bơm nước từ hồ và ngược lại, thế nhưng thị trường này hiện đang “đóng băng”. Các ngân hàng nhỏ không thể vay được các ngân hàng lớn hoặc muốn vay thì các ngân hàng phải có tài sản thế chấp.
Do đó, ông Toàn kiến nghị NHNN cần có những giải pháp giúp cho dòng vốn trên thị trường này được lưu thông. Nếu không với tình hình căng thẳng thanh khoản của các ngân hàng sẽ khó tránh được tình trạng huy động vượt trần.
Tránh xáo trộn những ngày cuối năm
Sau khi nghe ý kiến của các ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn cho rằng trong 2 năm qua, hoạt động ngân hàng không khác gì một cái chợ không có giá. Sau một thời gian được chấn chỉnh thì hiện tượng đua lãi suất hiện nay lại tiếp tục tái diễn. Tính thanh khoản của ngân hàng thực sự có vấn đề. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có những lúc lên đến 32% và duy trì trong thời gian dài. Nợ xấu đã xuất hiện trên cả thị trường liên ngân hàng, do vậy càng làm tăng tính rủi ro và làm căng thẳng thêm tình hình thanh khoản.
Ông Tuấn thừa nhận rằng, cái “gốc” để giải quyết vấn đề không chỉ dừng lại ở việc vận động các ngân hàng cùng thực hiện mà cần phải hành động thông qua việc thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm. Ngoài nguyên nhân do thiếu quy chế, cơ chế để xử lý, ông Tuấn cũng thừa nhận rằng việc điều hành hoạt động ngân hàng của NHNN còn nhiều yếu kém. Hoạt động thanh tra cũng không phát triển kịp thời nên việc sử dụng vốn của các TCTD không thực hiện theo đúng hướng.
Báo cáo về một số hoạt động thanh tra giám sát trên địa bàn TP, NHNN TPHCM cho biết đã kiểm tra 68 đơn vị, có 62 đơn vị sai phạm chủ yếu là cho vay không đúng quy định, không đủ điều kiện vay nhưng vẫn cho vay, huy động vượt trần lãi suất thông qua các hình thức khuyến mãi, bán vàng sau quy định…
| |
Hạnh Nhung