Hoạt động xe buýt ở TPHCM còn nhiều khó khăn

Hôm qua 3-11, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đã có buổi giám sát về tình hình hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt trên địa bàn TPHCM. Tại buổi giám sát, đại diện Sở GTVT TPHCM và các doanh nghiệp (DN) vận tải cho biết, hiện nay, muốn thu hút hành khách đi lại bằng xe buýt, cần có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước đối với loại hình phương tiện vận chuyển đặc thù này. Xe buýt cần được hỗ trợ nhiều hơn để thu hút hành khách. Ảnh: Cao Thăng
Hoạt động xe buýt ở TPHCM còn nhiều khó khăn

Hôm qua 3-11, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đã có buổi giám sát về tình hình hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt trên địa bàn TPHCM. Tại buổi giám sát, đại diện Sở GTVT TPHCM và các doanh nghiệp (DN) vận tải cho biết, hiện nay, muốn thu hút hành khách đi lại bằng xe buýt, cần có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước đối với loại hình phương tiện vận chuyển đặc thù này.

Xe buýt cần được hỗ trợ nhiều hơn để thu hút hành khách. Ảnh: Cao Thăng

Xe buýt cần được hỗ trợ nhiều hơn để thu hút hành khách. Ảnh: Cao Thăng

Khối lượng vận chuyển tăng chậm

Ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC TPHCM cho biết, từ năm 2006 đến nay, khối lượng vận chuyển trên các tuyến xe buýt tăng chậm và có hiện tượng bão hòa. Nguyên nhân là giá các yếu tố đầu vào như nhiên liệu, tiền lương cơ bản tăng nhanh, trong khi doanh thu từ việc bán vé tuy có tăng nhưng không đủ để bù đắp các khoản chi phí phát sinh, dẫn đến kinh phí trợ giá của thành phố ngày càng tăng. Để rút ngắn khoảng cách giữa chi phí và doanh thu, Sở GTVT phải áp dụng chính sách tăng giá vé. Chính yếu tố tăng giá vé đã ảnh hưởng đến một phần người dân chuyển sang sử dụng các phương tiện khác.

Một nguyên nhân khác là các công trình giao thông triển khai đồng loạt. Tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng tăng, một phần do mặt đường bị thu hẹp khi thi công, một phần lượng xe cá nhân phát triển quá nhanh, phần do công tác quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập. Ngoài ra, để đi bộ được từ nhà đến các trạm dừng xe buýt hiện nay là “cực hình” đối với người dân. Cụ thể, việc vỉa hè không dành cho người đi bộ là đặc trưng tồn tại từ rất lâu trên địa bàn thành phố. Do vậy, người dân buộc phải sử dụng lòng đường để đi lại, gây mất an toàn và tạo tâm lý không thoải mái cho khách bộ hành…

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm HTX vận tải 19-5 cho hay: “Hiện nay, các DN vận tải chỉ tập trung mọi giải pháp để giữ khách nên việc tăng sản lượng là rất khó vì lượng xe cá nhân tăng nhanh gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng lớn đến thời gian vận chuyển hành khách của xe buýt”.

Về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH một thành viên xe khách Sài Gòn dẫn chứng: Trong năm 2011, công ty đã triển khai tất cả hệ thống công nghệ tiên tiến trong hoạt động xe buýt. Đặc biệt, khi đưa 21 chiếc xe buýt chạy bằng khí nén thiên nhiên CNG vào hoạt động, lượng hành khách đi lại trên tuyến tăng, nhưng gần đây tại giao lộ Trần Hưng Đạo - Ngô Quyền có rào chắn mọc lên nên lượng hành khách đi lại trên tuyến giảm do thời gian vận chuyển bị chậm.

Cần chính sách hỗ trợ

* Tại buổi làm việc, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, hiện nay UBND TPHCM đã có chủ trương và dự kiến ngày 15-11 tới sẽ không cho phép xe buýt lưu thông hai chiều trên đường Trần Hưng Đạo.

Từ năm 2003, Sở GTVT TPHCM đã thực hiện thử nghiệm đề án “Tuyến xe buýt ưu tiên trên hành lang đường Trần Hưng Đạo”. Theo đó, xe buýt được phép lưu thông hai chiều trên đường Trần Hưng Đạo, kể cả đoạn từ đường Châu Văn Liêm đến Nguyễn Tri Phương (đây là đoạn lưu thông một chiều, theo hướng từ Nguyễn Tri Phương về đường Học Lạc).

Từ những vấn đề nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng để nâng cao chất lượng và tăng sản lượng hành khách đi lại trên các tuyến xe buýt ở TPHCM, đòi hỏi ngành giao thông vận tải thành phố thực hiện các giải pháp mang tính đồng bộ. Đồng thời, phía nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để các đơn vị thực hiện.

Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TPHCM cho biết: “Hiện nay, vấn đề kẹt xe do rào chắn khiến hoạt động xe buýt gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút hành khách đi lại. Trong khi đó, hệ thống làn đường dành riêng cho xe buýt đang triển khai thí điểm nhiều năm nay trên đường Trần Hưng Đạo, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của hành khách và lượng hành khách đi lại trên tuyến liên tục tăng nhưng đang bị UBND TPHCM cho ngưng thực hiện là không hợp lý.

Theo tôi, để thu hút hành khách đi lại bằng xe buýt, trên các tuyến đường có diện tích mặt đường rộng như Xa lộ Hà Nội, quốc lộ 51… thành phố nên cho áp dụng triển khai hệ thống làn đường dành riêng cho xe buýt hoạt động để đảm bảo tốt thời gian phục vụ hành khách. Ngoài ra, trong vấn đề xã hội hóa đầu tư phương tiện, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN về lãi suất vay, cũng như các khoản chênh lệch nhiên liệu…”.

Đồng quan điểm này, ông Lê Hải Phong kiến nghị: “Hiện nay, chất lượng phương tiện xe buýt ngày càng xuống cấp do một số phương tiện đã gần hết niên hạn sử dụng, cần phải thực hiện đầu tư mới. Tuy nhiên, để khuyến khích các DN thực hiện tái đầu tư phương tiện xe buýt cần thiết phải có chính sách hỗ trợ về lãi vay song song với chính sách ổn định về trợ giá. Do đó, thành phố sớm xem xét, thông qua đề án đầu tư phương tiện 1.680 xe giai đoạn 2011-2015”.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TPHCM nhấn mạnh: Trong 2 năm qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành giao thông đã có những điều chỉnh, thay đổi để nâng cao chất lượng hoạt động xe buýt. Mong rằng, trong thời gian tới, ngành giao thông cần có những giải pháp tốt hơn nữa để tăng sản lượng, cũng như chất lượng phục vụ hành khách đi lại bằng xe buýt. Cụ thể, cần xem xét bố trí lại hệ thống luồng tuyến cho hợp lý, cần có hệ thống mạng lưới đại lý phân phối vé xe buýt xuống các khu dân cư để tạo tiện lợi hành khách trong việc mua vé đi lại…

Riêng về những kiến nghị của Sở GTVT, HĐND TP sẽ ghi nhận và có văn bản đề nghị UBND TPHCM xem xét giải quyết.

Đình Lý

Cho phép quảng cáo trên xe buýt để góp phần giảm kinh phí trợ giá

Vừa qua, UBND TPHCM đã chấp thuận cho phép khai thác quảng cáo thương mại trên xe buýt. Để giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện về chủ trương này, PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý Vận tải công nghiệp (Sở GTVT TPHCM).

- PV: Sau thời gian cân nhắc, UBND TPHCM vừa chấp thuận chủ trương cho phép khai thác quảng cáo thương mại trên xe buýt. Ông đánh giá thế nào về chủ trương này?

Ông LÊ TRUNG TÍNH: Chủ trương của UBND TP là xây dựng một hệ thống nhận diện mới cho xe buýt thành phố nhằm thay đổi hình ảnh, diện mạo của xe buýt để giúp hành khách dễ nhận dạng các loại tuyến xe buýt, tăng khả năng tiếp cận. Qua đó, từng bước góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của phương tiện giao thông công cộng. Song song với việc xây dựng diện mạo mới cho xe buýt, UBND TP cũng cho phép khai thác quảng cáo thương mại trên xe buýt để tạo nguồn thu, góp phần giảm kinh phí trợ giá của ngân sách cũng như cải thiện lợi nhuận cho các đơn vị khai thác xe buýt. Đây là chủ trương phù hợp với quy định của Nhà nước cũng như hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội.   

- Là đơn vị tham mưu cho UBND TP trong lĩnh vực hoạt động xe buýt và được UBND TP giao nhiệm vụ làm các thủ tục để triển khai đề án quảng cáo trên xe buýt, xin ông cho biết, hiện nay công tác triển khai đề án đến đâu?

Theo kế hoạch đề án được UBND TP duyệt, tiến độ thực hiện dự án được Sở GTVT triển khai như sau: Tháng 6-2011, triển khai việc ký hợp đồng quảng cáo bên ngoài xe với các doanh nghiệp (DN) vận tải. Tháng 7-2011, triển khai thực hiện ứng dụng hệ thống nhận diện Buýt Sài Gòn mới. Tháng 7-2011 đến 12-2011, in và dán decal logo Buýt Sài Gòn, tên và số tuyến theo màu sắc 4 tuyến của nhận diện mới tại bãi xe của từng DN vận tải. Dự kiến sẽ thực hiện trên 1.152 xe. Quý 1-2012, thực hiện khoảng 765 xe. Tuy nhiên, việc triển khai đã chậm tiến độ so với dự kiến, tính đến nay Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) và Công ty cổ phần Tầm nhìn thành phố chỉ mới thực hiện hệ thống nhận diện xe buýt mới trên 2 tuyến xe buýt (tuyến số 1 và 39).   

- Vậy tiêu chuẩn lựa chọn đơn vị tham gia quảng cáo trên xe buýt ra sao?

Trong các năm qua, thành phố chưa có chủ trương về quảng cáo trên xe buýt. Tuy nhiên, đầu năm 2011, Công ty cổ phần Tầm nhìn thành phố đã đưa những ý tưởng hay về xây dựng hệ thống nhận diện mới cho xe buýt thành phố, kết hợp thực hiện tuyên truyền cổ động chính trị trên thân xe buýt. Khi không thực hiện các chương trình cổ động chính trị thì cho phép khai thác quảng cáo thương mại. Do đó, đề án này là một chương trình tổng thể nhằm cải tiến diện mạo xe buýt thành phố kết hợp với tuyên truyền cổ động chính trị chứ không đơn thuần chỉ là khai thác quảng cáo thương mại. Xét thấy ý tưởng đề xuất của Công ty cổ phần Tầm nhìn thành phố là phù hợp với nhu cầu cải thiện diện mạo cho xe buýt thành phố để thu hút hành khách, UBND TP đã duyệt nội dung đề án xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu và khai thác quảng cáo thương mại trên xe buýt do Công ty cổ phần Tầm nhìn thành phố đệ trình.   

- Nguồn thu từ quảng cáo trên xe buýt sẽ được sử dụng vào mục đích gì thưa ông?

Mục đích sử dụng nguồn thu từ quảng cáo trên xe buýt nhằm góp phần giảm chi kinh phí trợ giá xe buýt của ngân sách thành phố, hỗ trợ bù đắp một phần chi phí hoạt động cho các đơn vị vận tải, khuyến khích tạo điều kiện cho các DN cung ứng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt khai thác hiệu quả phương tiện.

- Xin cảm ơn ông!

Giang Đình

Tin cùng chuyên mục