Học kỳ trong quân đội - Chất thép thời bình

Những người lính nhỏ
Học kỳ trong quân đội - Chất thép thời bình

Đó là những cô cậu học trò sáng thức dậy có cha mẹ lo từng chút một, rời xa gia đình, xa thầy cô, bạn bè để hòa nhập vào một môi trường mới và học cách tự xoay xở lấy mọi việc. Cuộc sống không ngủ nướng, không game-online, không trà sữa… đã giúp những người lính nhỏ này nhận ra nhiều giá trị cuộc sống.

Tham gia Học kỳ trong quân đội, thanh thiếu niên được trui rèn tính kỷ luật của người lính. Ảnh: Nguyễn Thủy

Tham gia Học kỳ trong quân đội, thanh thiếu niên được trui rèn tính kỷ luật của người lính. Ảnh: Nguyễn Thủy

Những người lính nhỏ

Trần Nguyễn Anh Thư, học sinh Trường THPT Marie Curie đến giờ vẫn còn nhớ như in cảm xúc lần đầu tiên tham gia chương trình học kỳ trong quân đội. Thư tâm sự: “Lần đầu tiên em được mặc áo lính và đội chiếc mũ tai bèo, cảm xúc thật khó tả. Nhớ ngày trước, em thần tượng các chú bộ đội Cụ Hồ qua bài thơ về người lính của nhà thơ Phạm Tiến Duật, Chính Hữu và ước mãi một lần được làm… chị bộ đội xem thế nào. Cuối cùng đã được toại nguyện. Lúc đó, em thấy trong lòng vui và tự hào. Đặc biệt, khi mặc quân phục chào cờ đứng nghiêm trang, dõng dạc hát quốc ca thật là đẹp”.

Còn Duy Kiên, học sinh lớp 8, Trường THCS Trần Văn Ơn, chiến sĩ Binh đoàn 13 vẫn không thể quên những ngày trong quân ngũ ở Phú Quốc. Kiên kể lại: “Trước khi tham gia học kỳ trong quân đội, em rất sợ bị thương, chảy máu, nhưng một lần làm chiến sĩ đã giúp em khắc phục những nhược điểm đó. Giờ dù da có bị đen một chút do những ngày tập luyện ở thao trường nhưng bù lại em rắn rỏi và tự tin hơn trước rất nhiều”.

Trong thư của người lính nhỏ gửi về gia đình trong những ngày tham gia Học kỳ trong quân đội, nhiều em viết: “Ở nhà, con đã quen với việc được ba mẹ chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, được ba mẹ thương yêu. Vậy mà có những lúc con còn làm buồn lòng ba mẹ, thậm chí cãi lời, nói dối ba mẹ. Đến khi học bài “giã từ sự gian dối”, con cảm thấy mình có lỗi với ba mẹ rất nhiều”.

Ở nhà quen được chiều chuộng, những “người lính nhỏ” không quen phải tự phục vụ mình. Vậy mà giờ đây, phải tự xách ghế, rửa chén, giặt đồ, xếp chăn vuông như cục gạch, lặt rau, học thao tác luyện tập trên thao trường, luyện tập với AK, tập bơi; học thiên văn, nhìn trời của hải quân; học tính kỷ luật, nghiêm ngặt của giờ giấc quân đội…

Trải lòng với hình ảnh người lính

Phạm Đức Huy, HS Trường chuyên Trần Đại Nghĩa đến giờ vẫn không sao quên được những ngày trong quân ngũ. Với Huy, đó là một phần ký ức tươi đẹp mà em sẽ mãi khắc sâu trong tim mình. Chỉ với 12 ngày ngắn ngủi trong quân đội, Huy thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Ngày chia tay, Huy đã khóc và cảm thấy bị lạc lõng. Huy tâm sự: “Sau khi về nhà rồi, em vẫn không thể nào quên được những kỷ niệm. Không còn những buổi sáng dậy tập thể dục bên những người bạn, những chú sĩ quan, các anh tiểu đội trưởng, điều phối viên nữa. Không còn những bài học cực kỳ bổ ích hàng đêm nữa”. Nỗi nhớ quay quắt khiến đôi chân Huy trở lại sư đoàn. Thậm chí Huy đã ngồi đợi cả tiếng để chỉ mong gặp lại chú sĩ quan tên Nghĩa, người đã huấn luyện mình năm nào. Huy đã kể cho các chú sĩ quan về việc học, dự tính tương lai của mình và được nghe các chú kể về “lịch sử” gia nhập quân đội của chú thật ly kỳ làm sao. Không ngờ rằng để trở thành người lính, các chú phải trải qua nhiều rèn luyện thử thách và khó khăn đến vậy.

Bà Trần Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, nơi tổ chức chương trình Học kỳ trong quân đội, nói: “Không chỉ những thanh thiếu niên tham gia học kỳ trong quân đội mà kể cả phụ huynh của các em cũng trải lòng với hình ảnh người lính. Nhiều phụ huynh cho biết, qua thư con viết về nhà, chính họ cũng có thêm cơ hội để hiểu về đời sống các chiến sĩ hải quân, bộ binh và biết thế nào là tính kỷ luật quân đội. Thậm chí nhiều em ấp ủ ước mơ sau này lớn lên sẽ được làm anh bộ đội, lính hải quân”.

Với mục tiêu giáo dục thanh thiếu niên ý thức tổ chức kỷ luật, tâm lý gia đình, cộng đồng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, rèn thể lực và sức khỏe, chương trình Học kỳ trong quân đội đã được Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam cho ra đời năm 2008. Sự ảnh hưởng của chương trình đã tạo một tác động mạnh mẽ trong suy nghĩ của cộng đồng thanh thiếu niên Việt Nam. Hình ảnh thanh thiếu niên trong bộ quân phục đã trở thành một biểu tượng mới của giới trẻ, gắn liền với “chất thép” và sự trưởng thành qua tôi luyện. Thời gian làm lính tuy ngắn ngủi nhưng những thanh thiếu niên trẻ dường như đã lột xác và trở thành một con người mới, chín chắn hơn, trưởng thành hơn và sống có trách nhiệm hơn.

“Học kỳ trong quân đội” (Semester in Army - viết tắt là SIA) là mô hình giáo dục đặc biệt giáo dục thanh thiếu niên đã có từ lâu ở Mỹ và Hàn Quốc, được Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam (TPHCM) tổ chức thí điểm năm 2008. Đến nay, chương trình này đã có tuổi đời 3 năm.

Nguyễn Thủy

Tin cùng chuyên mục