Học làm cha

Sau niềm hạnh phúc đón đứa con đầu lòng chào đời, tôi biết cuộc đời mình đã bước sang một trang mới, một hành trình tuyệt vời từ những giây phút đầu tiên. Nhìn con khôn lớn mỗi ngày, để làm một người cha tốt, tôi tự nhủ có bao nhiêu điều phải học.
Với cha mẹ, hành trình nuôi con khôn lớn tuy vất vả nhưng đầy hạnh phúc. Ảnh: THU HƯỜNG
Với cha mẹ, hành trình nuôi con khôn lớn tuy vất vả nhưng đầy hạnh phúc. Ảnh: THU HƯỜNG

1. Khi con cất tiếng khóc chào đời, gánh nặng trong tôi như được trút đi sau cả đêm thức trắng trong hồi hộp và âu lo. Nhẹ nhõm. Cảm giác từ giây phút đầu tiên nhìn thấy con bằng xương bằng thịt với hình hài nhỏ bé sau 9 tháng 10 ngày ấp ủ trong bụng mẹ, lạ lẫm lắm. Tôi nhớ như in bác sĩ đỡ đẻ cho vợ đã hỏi: “Vào phòng sinh cùng 2 mẹ con điều gì là đặc biệt nhất?”. Lúc đó, tôi đã trả lời rất chân thành: “Có lẽ nếu tôi không chọn đồng hành cùng 2 mẹ con trong ca vượt cạn sinh tử này mới là quyết định nuối tiếc nhất”. Tôi nghĩ mình đã đúng. Khoảnh khắc thiêng liêng ấy chắc chắn sẽ theo tôi suốt cuộc đời này.

Và, sau này khi con lớn lên, tôi tin câu chuyện mình kể lại sẽ khiến con cảm nhận được tình yêu thương từ ba và từ mẹ - người phụ nữ vĩ đại. Nó sẽ thật giống với những câu chuyện cổ tích con vẫn hằng nghe.

2. “Sinh con rồi mới sinh cha”, câu nói đó càng ngẫm tôi càng thấy đúng. Dù đã có gần 9 tháng chuẩn bị làm cha và cả hành trình dài chờ đợi trước đó, nhưng thú thực, lần đầu lên chức cha nhiều bỡ ngỡ lắm. Mỗi ngày bên con là mỗi ngày phải học cách làm cha. Chuyện những tưởng là tất nhiên, là bản năng của mỗi con người khi bước sang hành trình mới. Thế nhưng, nếu chỉ có bản năng thôi, tôi nghĩ mình sẽ không đủ điều kiện cần và đủ để làm một người cha tốt.

Tôi nhớ, có lần từng trêu đùa cô bạn thân có cậu con trai đã lên 3 tuổi rằng, mình sẽ “bắt cóc” bé về nuôi. Ngẫm từng lời nói của cô bạn lúc ấy, tôi thấy chí lý lắm, rằng con trẻ không phải và không thể là sự “thí nghiệm” của người lớn. Nuôi và dạy con là cả một hành trình dài, cần nhiều lắm sự tích lũy, nhất là với đứa con đầu tiên. Nếu may mắn có sự hỗ trợ của ông bà nội ngoại, hay thuê dịch vụ hộ sinh, bạn sẽ vơi đi gánh nặng và cả vô số áp lực. Còn nếu muốn tự mình chăm con, hay điều kiện không cho phép, không có sự chuẩn bị nào từ trước đó là dư thừa.

Cứ thử nghĩ, với những cặp vợ chồng đang son rỗi, sự xuất hiện của một sinh linh bé nhỏ trong cuộc đời mà không hoàn toàn chuẩn bị về tâm lý, kỹ năng cần thiết, bạn sẽ đối diện với bài toán khó ấy như thế nào? Lúc này, tôi mới thực sự thấu hiểu vì sao phụ nữ sau sinh rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Một đứa trẻ chỉ biết ăn, ngủ, đi vệ sinh và tiếng khóc là dấu hiệu cảnh báo duy nhất cho mọi thứ tác động lên cơ thể bé nhỏ ấy. Nếu không quan sát, chú ý thật kỹ, bạn sẽ chẳng biết khi nào con khóc vì đói, bị lạnh, muốn thay đồ vì đang ẩm ướt, gắt ngủ, tỉnh giấc… Tiếng khóc của trẻ nghe thì giống nhau nhưng cũng có đủ các cung bậc với muôn vàn sự biểu lộ. Tất cả, đều phải học.

Lần đầu tiên bế con, nhỏ như một chú mèo trên tay, tôi chỉ sợ mình đánh rơi con lúc nào không hay vì cảm giác cứ nhẹ bẫng. Và lần đầu tiên thử tắm cho con, con cứ khóc vì sợ nước, còn cha cũng toát mồ hôi hột. Lóng ngóng. Mà không vụng về sao được, bởi tắm cho một em bé sơ sinh là cả sự kỳ công. Nhẹ nhàng để không tổn thương da con. Tắm đủ nhanh và sạch để bé không cảm lạnh. Rồi thêm các công đoạn làm sạch lưỡi, vệ sinh rốn, nhỏ mắt mũi, thoa kem chống hăm (nếu có)… Nhưng, nếu cứ sợ hãi, có lẽ bạn sẽ chẳng bao giờ dám tắm cho con lần thứ 2, cho đến khi bé lớn hơn và thích vui đùa với nước. Còn nếu đã quen rồi, cứ tin tôi đi, tắm cho trẻ em mang đến cảm giác hạnh phúc lâng lâng, ngay cả khi bé vừa tắm… vừa đi vệ sinh.

3. Có muôn vàn câu hỏi bạn muốn nhận được lời giải đáp trong hành trình tập làm cha. Đơn cử như trong chuyện ăn uống của 2 mẹ con đã là cả câu chuyện dài. Nếu nuôi con bằng sữa mẹ, mẹ sẽ ăn gì để đủ chất mà vẫn đảm bảo bé không gặp các vấn đề về tiêu hóa? Nếu cho bé ăn thêm sữa ngoài, ăn sữa gì, ăn khi nào, liều lượng bao nhiêu… là hợp lý? Thậm chí, bạn còn phải quan sát cả nước tiểu và phân của bé để có thể điều chỉnh bữa ăn an toàn. Ăn uống và tiêu hóa ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển chiều cao và cân nặng của trẻ. Do đó, khi làm cha mẹ, tôi tin dù là lần đầu tiên hay lần thứ mấy, ai cũng sẽ hồi hộp xem con mình tăng thêm bao nhiêu gram mỗi tháng, có nằm trong vùng đủ chuẩn hay không.

Hết chuyện ăn ngủ, cho bé mặc quần áo gì, dùng tã bỉm loại nào cũng lắm công phu. Với làn da mỏng manh của trẻ, điều này là tối quan trọng để tránh những tổn thương trên da. Riêng với các loại tã, bỉm ngoài chức năng thấm hút liệu nó có phù hợp với làn da em bé hay không? Không hẳn những sản phẩm đắt tiền sẽ phù hợp với mọi em bé. Tất cả phải đủ mềm mại, dịu êm và được con bạn “đồng ý sử dụng”.

Nếu phải ngồi liệt kê những câu hỏi tôi đã tham khảo từ ông bà nội ngoại, bạn bè đã làm cha mẹ và đặc biệt từ “chị Google” trong 2 tháng đầu tiên tập làm cha, có lẽ sẽ tốn biết bao giấy mực. Nhưng, tôi tin đó mới chỉ là sự khởi đầu. Cuốn nhật ký làm cha của tôi mỗi ngày lại dày thêm những trang mới. Tôi muốn dành món quà đặc biệt đó cho con để sau này lớn lên, con sẽ được sống lại với cả thế giới tuổi thơ của mình qua lăng kính của cha.

Mỗi ngày con khôn lớn, ngoan ngoãn và khỏe mạnh, không chỉ là niềm vui, nó cũng là cột mốc đánh dấu tôi đã “lên lớp” trong hành trình học làm cha của mình.

Tin cùng chuyên mục