Học... lịch sự

Ở Trung Quốc, hiện có khoảng 1 triệu triệu phú và 600 tỷ phú. Con số này được dự báo còn tiếp tục tăng, và trong vòng một thập kỷ tới, một nửa số tỷ phú thế giới sẽ đến từ Trung Quốc. Sau khi đua nhau sắm những món hàng xa xỉ từ túi xách, đồng hồ, quần áo đến du thuyền, máy bay, giới nhà giàu Trung Quốc bắt đầu chú ý đến những bài học về phép lịch sự.

Họ đã nhận thức ra một điều quan trọng: có nhiều tiền chưa hẳn đã sang. Sự sang trọng không phải chỉ toát lên từ phong cách thời trang, những món hàng đắt giá mà quan trọng hơn cả đó là cách cư xử lịch thiệp.

Nhận thấy người đại lục có nhu cầu lớn trong việc học phép lịch sự, Sara Jane Ho, một nữ doanh nhân tại Hồng Công (Trung Quốc) nhưng lớn lên ở London (Anh), đã mở một lớp học để dạy cách trở thành người lịch thiệp, quý phái. Lớp học tổ chức tại một khách sạn 5 sao ở Bắc Kinh với mức học phí 2.000 - 10.000 bảng Anh (3.000 - 15.000USD), thu hút đông học viên.

Hàng chục phu nhân của những doanh nhân giàu có đã đăng ký để được học cách dùng dao, dĩa đúng cách trên bàn ăn, cách gọt vỏ trái cây, cách chào đón mẹ chồng tương lai, cách đi khi mang giày cao gót và cách ăn canh, súp mà không tạo tiếng động.

Khi được hỏi điều gì thôi thúc đến lớp học phép lịch sự, bà Trương, vợ một nhà chuyên tổ chức đấu giá nổi tiếng Trung Quốc, có thu nhập trên 1,5 triệu USD hàng năm, cho biết, Trung Quốc có rất nhiều người giàu nhưng họ không hề biết cách cư xử. Tôi không muốn trở thành một trong số họ.

Bà Trương đồng ý trả 8.000USD cho khóa học của mình và cho biết mình thật sự bất ngờ khi nhận ra nhiều điều chỉ sau 2 buổi học thử. “Chúng tôi được dạy cách bắt tay, cách thể hiện sự chú ý khi nói chuyện. Trước khóa học tôi không biết cách lau miệng sao cho đúng hoặc gập khăn ăn thế nào trước khi đặt lên đùi hoặc cách xé bánh mì và phết bơ lên trên”. Không chỉ có các quý bà, các sếp lớn của các tập đoàn quốc doanh lẫn tư nhân Trung Quốc cũng mời bà Jane tới giảng dạy để giúp họ biết cách ứng xử trong cuộc họp với các doanh nhân Âu, Mỹ.

Theo Sarah Jane Ho, phong cách mà người Trung Quốc ưa chuộng để học hỏi nhất là giới quý tộc Anh. Dù rất bận rộn, nhưng giới nhà giàu Trung Quốc vẫn đều đặn tham gia các lớp học để cải thiện hình ảnh. Họ, những người đại diện cho sự sung túc của một quốc gia có nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, muốn xã hội phải thay đổi quan niệm “giới thượng lưu chỉ biết cách tiêu tiền hoang phí”. Đây có lẽ là một xu hướng đi theo sự phát triển của xã hội.

Người Trung Quốc trước nay vẫn luôn tự hào về đất nước mình nhưng ít nhiều những hình ảnh về cách cư xử không văn minh của một bộ phận người dân đã làm họ buộc phải suy nghĩ lại. Các quan chức nước này từng rất đau đầu với những thói quen xấu của người dân như khạc nhổ bừa bãi, quát tháo, ăn uống xì xụp và chen lấn khi xếp hàng đến nỗi họ đã phải tung ra những chiến dịch truyền thông lớn nhưng chưa thu được kết quả tích cực.

Câu chuyện cải thiện hình ảnh chỉ xảy ra phổ biến trong giới siêu giàu Trung Quốc có lẽ vẫn còn là điều đáng tiếc vì lẽ ra nó phải được đón nhận rộng rãi trong cộng đồng. Nhưng dẫu sao có vẫn còn hơn không. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục