Trong lịch sử xã hội Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975, học sinh miền Nam (HSMN) là một cộng đồng đặc biệt. Hình thành trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt đến 1960, rồi định hình và phát triển đến tháng 4-1975, HSMN được xem là lực lượng cần thiết vừa cho việc xây dựng miền Bắc vừa cho việc tiếp quản miền Nam nên được đãi ngộ và đào tạo một cách đặc biệt và nhờ vậy đã có được những đóng góp nhất định cho đất nước trước và sau ngày thống nhất.
Tuy nhiên, dù được coi là một phần của lịch sử đất nước, sự hiểu biết về HSMN vẫn còn thiếu chính xác, toàn diện và hệ thống. Một số công trình về HSMN đã xuất bản cũng chưa thật sự làm rõ được lịch sử HSMN cũng như những vấn đề liên quan giữa HSMN và lịch sử chung của đất nước.
Vừa qua, NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM đã xuất bản tác phẩm Học sinh miền Nam - Tư liệu và kỷ niệm nhằm bù đắp những thiếu sót về lịch sử nêu trên. Tác phẩm do một nhóm HSMN tổ chức biên soạn, nhà nghiên cứu Cao Văn Dũng (tức Cao Tự Thanh), một cựu HSMN, làm chủ biên. Sách dày 872 trang, khổ 16 x 24 cm.
Bìa sách Học sinh miền Nam - Tư liệu và kỷ niệm
Sách gồm 2 phần là tư liệu và kỷ niệm. Phần đầu gồm 100 tư liệu và cụm tư liệu là các chỉ thị, nghị định, quyết định, thông tư, báo cáo… trực tiếp liên quan tới chủ trương đào tạo, chính sách sử dụng, chế độ đãi ngộ của Đảng và Nhà nước với HSMN hoạt động ở miền Bắc thời gian 1954 - 1975. Đại đa số tư liệu này hiện được lưu giữ ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.
Đặc biệt, tuy thuần túy mang tính tư liệu nhưng đây được xem là phần quan trọng nhất của tác phẩm, khi từ các tư liệu này, người đọc có thể hình dung khá đầy đủ thực tế của HSMN khi ấy. Trong số tư liệu có nhiều báo cáo, biên bản các cuộc họp có giá trị lịch sử rất cao, như bản báo cáo đề ngày 25-3-1970 do thầy Bùi Thành tại Trường HSMN Hà Tây gửi Thủ tướng trình bày chi tiết và đầy đủ về thực trạng cơ sở vật chất của trường, cũng như các vấn đề quan hệ giữa học sinh với nhân dân địa phương. Đặc biệt, thông qua các tài liệu này, lần đầu tiên HSMN hiển hiện rõ ràng, tương đối đầy đủ trong lịch sử đất nước với đầy đủ các góc độ của nó.
Khác với nhiều công trình trước nay nghiêng về nhấn mạnh con người chính trị của HSMN, tác phẩm chú trọng hơn tới con người xã hội của họ. Có lẽ vì vậy nên phần kỷ niệm gồm hồi ký, thơ, nhạc phẩm của hơn 20 tác giả là HSMN và giáo viên Trường HSMN cũng tập trung vào 3 chủ đề hoàn cảnh, tính cách, số phận của những học sinh đặc biệt khi đó.
Bên cạnh đó, coi HSMN là một cộng đồng xã hội, bài Lịch sử Học sinh miền Nam trong lịch sử Việt Nam ở đầu sách đặt lịch sử cộng đồng này vào bối cảnh lịch sử Việt Nam 1954 - 1975 để tìm hiểu, từ đó có những kết luận mới mẻ và thuyết phục về việc phân loại HSMN, phân kỳ lịch sử HSMN, phân chia các thế hệ HSMN, đây là điều mà các công trình về HSMN trước nay đều chưa làm rõ. Có thể nói với tính nghiêm cẩn, khách quan và khoa học, quyển sách đã mở ra một hướng tiếp cận mới đối với lịch sử HSMN.
XUÂN THÂN