Dự án Học viện quốc tế (HVQT) Quang Trung được thành lập bởi nhiều người có tâm huyết với ngành Công nghệ Thông tin (CNTT) Việt Nam với mong muốn góp phần hỗ trợ giải quyết tình trạng khan hiếm nhân lực có trình độ cao cho ngành CNTT.
Từ nhiều năm nay, sự thiếu hụt nhân lực có trình độ phục vụ cho các ngành công nghiệp CNTT nói chung và phát triển phần mềm nói riêng vẫn luôn là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng. Đã có nhiều hội thảo ở nhiều cấp độ được thực hiện, nhiều giải pháp cũng được áp dụng, số lượng các trường đào tạo và số lượng sinh viên CNTT cũng đã phát triển vượt bậc so với trước đây, tuy nhiên tình trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ vẫn tiếp tục xảy ra và chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Để cải thiện tình hình nêu trên, Chính phủ vừa ban hành đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”, trong đó mục tiêu phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao đến năm 2020. Đây là mục tiêu đầu tiên và quan trọng bậc nhất xuyên suốt của đề án.
Dự án từ thực tiễn
Dự án Học viện quốc tế Quang Trung được thành lập với các sáng lập viên bao gồm các giáo sư, chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong và ngoài nước. Trong thực tế, dự án là kết quả của ý tưởng đã được nung nấu cách đây nhiều năm của các giáo sư và chuyên gia tâm huyết, với mong muốn góp phần hỗ trợ giải quyết tình trạng khan hiếm nhân lực có trình độ cao cho ngành CNTT.
Ông Ngô Đức Chí, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Global CyberSoft, một trong những thành viên của dự án, cho biết dự án là sự kết hợp giữa việc giảng dạy của các giáo sư, chuyên gia nước ngoài với việc ứng dụng công nghệ huấn luyện từ xa qua mạng. Về cơ bản, mô hình này đáp ứng được hai điểm quan trọng là tiếp nhận được kiến thức và kỹ năng mang tầm quốc tế từ các chuyên gia nước ngoài có khả năng thực hành cao, đồng thời giải pháp huấn luyện qua mạng sẽ tạo cơ hội cho nhiều người tham gia hơn, chi phí do đó rẻ hơn so với việc mời chuyên gia sang giảng dạy tại Việt Nam.
Gần đây, trong chuyến thăm và làm việc tại Công viên phần mềm Quang Trung (CVPMQT), Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng ủng hộ dự án với sự hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM và CVPMQT.
Để đảm bảo dự án được triển khai thành công, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Công ty Phát triển CVPMQT, thành viên dự án, cho biết: “Hạ tầng viễn thông hiện nay của CVPMQT chắc chắn đáp ứng hiệu quả cho các khóa đào tạo từ xa, đặc biệt từ bên ngoài Việt Nam, cho cùng lúc nhiều người, bảo đảm chất lượng hình ảnh âm thanh rõ ràng vì đó là yêu cầu quan trọng hàng đầu cho sự thành công của dự án. Do đó, CVPMQT sẽ sử dụng các giải pháp kỹ thuật mới và mạnh nhất để hỗ trợ vấn đề này. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố kỹ thuật, yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là chất lượng nội dung khóa học. Trước mắt, lực lượng giảng dạy bao gồm các chuyên gia, giáo sư Việt kiều tại các trường đại học tại Bắc Mỹ, châu Âu, những người có năng lực và tâm huyết với sự phát triển CNTT của nước nhà.
Giáo sư Vương Thanh Sơn, Giám đốc NICLab, Khoa Khoa học máy tính, đại học British Columbia Canada, thành viên dự án, cho biết thêm: “Tính thực tiễn và khả năng thực hành là một trong những yêu cầu then chốt của các khóa học. Do đó, các khóa học thực hiện qua mạng, nhưng sẽ được thi kiểm tra tập trung để đảm bảo chất lượng cao nhất. Ngoài ra, chúng tôi cũng áp dụng mô hình học tập cộng tác giúp các học viên trao đổi chặt chẽ trong suốt quá trình học. Kinh nghiệm cho thấy, mô hình cộng tác sẽ giúp các học viên hiểu và tăng khả năng thực hành tốt nhất”.
Không phải một sớm một chiều dự án có thể ngay lập tức thành công, nó đòi hỏi thời gian và nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, với mục tiêu phù hợp thực tiễn và quyết tâm mạnh mẽ, các thành viên dự án tin chắc rằng mô hình sẽ góp phần cùng các doanh nghiệp, giải quyết phần nào bài toán nhân lực cho sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam.
HOA PHẠM
Tỉnh Nghệ An xúc tiến thành lập công viên phần mềm UBND tỉnh Nghệ An vừa có đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Công viên phần mềm Quang Trung, TPHCM, nhằm học hỏi kinh nghiệm xây dựng công viên phần mềm. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền cho biết, tỉnh Nghệ An dự tính xây dựng một khu công viên phần mềm 10ha tại thành phố Vinh. Đây sẽ là một điểm nhấn của thành phố Vinh và góp phần tạo công ăn việc làm cho con em địa phương, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà. Ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển CVPMQT đã chia sẻ những bài học, kinh nghiệm qua 10 năm xây dựng và phát triển CVPMQT. Ông Chu Tiến Dũng khẳng định: vốn đầu tư cho ngành phần mềm không lớn, mà quan trọng đầu tư cho ngành phần mềm chính là đầu tư cho con người, con người mới là yếu tố quyết định tạo ra giá trị của sản phầm phần mềm. HẢI LONG |