(SGGPO).- Hội chợ sách Quốc tế Frankfurt lần thứ 62, hội chợ sách lớn nhất thế giới đã chính thức khai mạc vào ngày 4-10 vừa qua và kết thúc vào ngày 10-10. Bên cạnh chủ đề chính là giới thiệu những tác phẩm văn học của Argentina-khách mời danh dự của sự kiện, hội chợ sách năm nay mang đến cho độc giả những lựa chọn phong phú hơn khi vừa giới thiệu những bộ sách bán chạy nhất hiện nay, vừa mở thêm nhiều gian hàng trưng bày sách đa phương tiện, nhằm thu hút độc giả trẻ.
Niềm tự hào của người Đức
Hội chợ sách Quốc tế Frankfurt là hội chợ sách có bề dày lịch sử lâu đời nhất. Năm 1450, kỹ sư người Đức Johannes Gutenberg đã phát minh ra kỹ thuật in dấu ở thành phố Mainz (gần Frankfurt). Từ đó, người dân Frankfurt đã tổ chức hội chợ sách đầu tiên để đánh dấu sự bùng nổ thông tin với hàng loạt quyển sách đến được với công chúng. Hoạt động của hội chợ này diễn ra liên tục cho đến cuối thế kỷ 17 thì bị gián đoạn. Sau Chiến tranh thế giới II, vào năm 1949, hội chợ sách ở Frankfurt được khôi phục và kể từ đó, hoạt động này được tổ chức mỗi năm với tên gọi chính thức là Hội chợ sách Quốc tế Frankfurt, niềm tự hào của người dân nước Đức.
Ở hội chợ sách năm nay, 7.533 gian trưng bày (tăng hơn 200 gian so với năm ngoái) của 111 quốc gia với đủ các thể loại sách, từ tiểu thuyết đến khoa học, văn hóa…, bao gồm sách gốc và sách chuyển ngữ. Hội chợ sách quốc tế hàng năm tại đây chính là cầu nối giao lưu văn hóa của độc giả từ khắp nơi. Nhiều chuyên gia nghiên cứu cho rằng, chính việc gìn giữ văn hóa đọc lâu đời đã tạo nên sự văn minh, vừa truyền thống lại vừa hiện đại, điều hiếm có của một thành phố châu Âu ngày nay.
Truyền thông đa phương tiện ở hội chợ sách
Điểm độc đáo trong hội chợ sách lần này chính là điểm nhấn từ các gian trưng bày các thiết bị kỹ thuật số và truyền thông đa phương tiện. Giám đốc đơn vị tổ chức Hội chợ sách quốc tế Frankfurt, ông Juergen Boos cho rằng, văn hóa đọc sách in vẫn đang tồn tại trong mỗi độc giả. Việc giới thiệu sách điện tử và các thiết bị đọc sách điện tử ở hội chợ sách lớn nhất thế giới này chính là cách thông minh nhất để tạo nên tiếng nói chung giữa các thế hệ bạn đọc và quan trọng là cần có sự hỗ trợ của công nghệ để đưa những quyển sách hay tiếp cận với bạn đọc một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy công chúng chọn sách điện tử để thay thế sách in vì giá thành rẻ hơn. Đây cũng là thách thức lớn nhất mà những nhà xuất bản đang phải đối đầu để tìm cách thu hút nhiều bạn đọc. Khi đã được khơi dậy được lòng đam mê đọc sách thì công chúng sẽ có xu hướng chọn những quyển sách in, thay vì chọn những thiết bị đọc điện tử.
Phát biểu trong buổi lễ khai mạc Hội chợ sách quốc tế Frankfurt, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle và Tổng thống Argetina Cristina Kirchner đã đề cập đến làn sóng các phương tiện truyền thông đang đe dọa sự phát triển của sách in. Cả hai đều cho rằng, sách in sẽ mãi tồn tại vì bạn đọc không thể tìm được cảm giác đắm mình vào từng trang sách, cảm nhận từng câu chữ mang hơi thở văn học được kết tinh, điều khó tìm thấy khi tiếp cận với sách điện tử hay các loại hình đa phương tiện khác. Điều thú vị chính là hồn sách ở mỗi quyển sách được trình bày và in ấn chỉn chu trước khi đến tay bạn đọc.
Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Đức, ông Gottfried Honnefelder cho biết, dù là đất nước phát triển về công nghệ nhưng Đức vẫn cố gắng duy trì và khuyến khích việc đọc sách in. Trong thời gian tới, Hiệp hội Xuất bản Đức sẽ đẩy doanh thu mà thị trường sách trong nước tăng hơn 10% so với mức doanh thu năm ngoái là hơn 9,6 tỷ EUR.
HÀ NHI