Hội chứng “hot”

Hơn 10 năm nay, từ “hot” đã trở nên thông dụng và thịnh hành trong giới trẻ. Những năm 2000, người ta bắt đầu làm quen với từ “hot” và khi internet phủ sóng khắp nơi thì từ này cũng được phủ sóng với tốc độ chóng mặt. Sớm nhất là cụm từ “hot boy”, “hot girl” dành để gọi những cô gái hay chàng trai tuổi mới lớn nổi bật về độ chịu chơi, sang chảnh hoặc chỉ cần có chút nhan sắc, được một số trang báo mạng tung hô, từ đây thì nhất cử nhất động của họ đều được khai thác và được giới trẻ quan tâm. Dĩ nhiên ở lứa tuổi luôn muốn thu hút sự quan tâm của mọi người xung quanh, hay nói theo kiểu tuổi teen là muốn mình trở thành “cái rốn của vũ trụ” thì việc phấn đấu bằng nhiều cách để được đứng trong danh sách “hot teen” là điều khó tránh khỏi. Chẳng thế mà cứ vài ngày các báo mạng lại tràn ngập bài viết về hot girl giật bồ, hot boy xăm trổ, hot girl khoe thân…

Chính sức hút của từ “hot” mà bất kể điều gì, từ ăn mặc, nơi vui chơi đến các chiêu trò để nổi tiếng, muốn tăng sự chú ý, người ta chỉ việc gắn vào từ “hot”. Một nhà tâm lý học từng nói, giới trẻ hiện nay như bị từ “hot” mộng du, chỉ cần cái gì đó gắn với từ “hot” là họ nhào tới đến mức phải gọi đó là “hội chứng”. Đơn cử như chỉ cần các trang báo mạng đồng loạt dẫn lại bài viết về các điểm phượt thu hút giới trẻ, vậy là các bạn đua nhau tìm đến. Hay cách đây không lâu, khi các trang mạng tràn ngập các bài viết dội nước đá lên đầu, vòng tay qua eo để chạm rốn, trào lưu hút shisha, ăn mì cay… dĩ nhiên có gắn theo từ “hot”, chỉ sau vài giờ, hình ảnh các bạn trẻ làm theo phủ khắp các trang Facebook, Zalo.

Vì lý do gì mà các bạn “nhắm mắt đưa chân” chỉ bằng những từ “hot”? Có lẽ bởi cái tính của giới trẻ Việt luôn sợ mọi người nghĩ mình quê, cái gì mới, nghe đồn là “hot lắm” mà chưa phải là người trong cuộc thì lấy gì ra mà khoe với bạn bè. Vậy là bằng mọi cách, các bạn phải trở thành người trong cuộc, minh chứng bằng các tấm hình đăng tải đầy Facebook, Zalo. Đáng buồn là các bạn sẵn sàng quẳng đi chính kiến của bản thân, trên mạng nói đẹp, nói hay, nói độc lạ mà mình nói ngược lại thì cũng… nhà quê nốt. Do đó dù trong mắt mình có xấu, có tệ thế nào thì để hợp thời, các bạn cũng nhiệt tình buông lời khen ngợi.

“Thủ phạm” dẫn dắt giới trẻ vào thế giới của từ “hot” rồi nghĩ đủ chiêu trò để có được một vị trí trong đó là ai? Hẳn rằng ai cũng biết các trang báo mạng có trách nhiệm không nhỏ trong chuyện này. Hay do chính giới showbiz quá nhiều hào quang nhưng vô cùng dễ dãi, sẵn sàng dung nạp những cá nhân nổi tiếng bằng chiêu trò, dưới sự hậu thuẫn của các trang báo mạng. Xã hội luôn đề cao vấn đề định hướng lối sống cho giới trẻ nhưng một khi vẫn tồn tại sự tung hê vô lối của các trang mạng thì khi đó còn những cuộc đua trong thế giới của từ “hot”.

Một giáo viên tại Trường THCS Quang Trung (quận 4) đã thốt lên rằng, sao các trang mạng dành cho tuổi học trò không khai thác những câu chuyện hay về lòng hiếu thảo, về những tấm gương chăm ngoan, học giỏi mà chỉ thấy đầy rẫy những chàng trai, cô gái tóc xanh tóc đỏ, ăn mặc thiếu vải, phát ngôn ngông cuồng. Họ còn muốn đầu độc bao nhiêu thế hệ học trò nữa?

Câu hỏi của vị giáo viên này cũng rơi vào mớ hỗn độn như hàng triệu câu hỏi, nỗi trăn trở của các giáo viên và phụ huynh khác. Có người cho rằng cứ để xã hội tự dạy, đứng dậy sau vấp ngã mới vững, thế nhưng để tụi nhỏ lớn lên rồi mới nhìn thấy cái lãng phí của thời đi học thì liệu có đáng? Và hơn hết, chẳng may nó là bước đệm cho cú trượt dài trên con đường hình thành nhân cách, lối sống của giới trẻ thì sao đây?

HẢI THU

Tin cùng chuyên mục