
Hai đội trưởng Huy Hoàng (3, VN) và Firmansyah (18, Indonesia) tại BV Cup 2006. Ảnh: Hoàng Hùng.
Ngoài những chuyện mà báo giới từng đề cập rất nhiều đó là không ít cầu thủ được lệnh rút lui khỏi đội tuyển để dưỡng chân phục vụ cho CLB nhà, hoặc có những cầu thủ luôn tìm cách chối từ đội tuyển bằng đủ mọi lý do để trở về với màu áo địa phương… sau này còn có hội chứng ngán lên đội tuyển mà nhiều cầu thủ dù rất kín tiếng nhưng vẫn bộc bạch tâm sự.
Việc trung vệ Huy Hoàng tuyên bố không tham gia đội tuyển nữa có rất nhiều nỗi niềm, trong đó có cái lý do ngại và không còn hứng thú khi lên tuyển.
Đó cũng là câu trả lời chung cho những thừa nhận của một số tuyển thủ: “Lên tuyển thì vinh dự rất lớn nhưng ở đấy đôi lúc thấy mất tự do, thấy bị kiểm soát chặt chẽ quá và chính sự không thoải mái, không được tôn trọng (!?) kể cả khi gặp người thân, bạn bè… nên từ đấy có những người không còn thấy hứng thú với môi trường ở đội tuyển nữa…”.
Một lý do khác là chính việc tập trung dài với quỹ thời gian lớn “nằm” ở đội tuyển cho mục tiêu lớn (cuối cùng lại không đạt được) khiến nhiều cầu thủ mất lửa bởi cái chốn mà ông thầy Riedl có lần từng than phiền là nên để cầu thủ có cảm giác thoải mái hơn là tập trung lâu dài với những kiểm soát gắt gao như trại lính…
Phải thừa nhận một điều mà chính các cầu thủ có lần bộc bạch đó là sau nững vụ án mua bán độ, nhiều cầu thủ thấy mất tự nhiên và thấy khó đá, đặc biệt là những cầu thủ từng bị phốt. Một cầu thủ chơi ở vị trí trung vệ tâm sự rất thật: “Cỡ Như Thành bây giờ mà lỡ phá bóng để chạm tay như Huy Hoàng thì khổ lắm. Chỉ mỗi chuyện ra sân mà Thành phải nặng nề với suy nghĩ đừng bao giờ để phạm lỗi dù là nhỏ nhặt nhất và đặc biệt là những lỗi nhạy cảm nhất thì đá đã mất sướng vì ức chế rồi”.
Việc phòng và chống tiêu cực trong đội tuyển, đặc biệt hậu SEA Games 23 là điều rất cần thiết nhưng thiết nghĩ đã đến lúc nên tính đến một giải pháp tốt hơn và hiệu quả hơn thay vì cứ kè kè với việc kiểm soát 24/24. Việc chọn giải pháp như xây dựng ngay từ ý thức của mỗi tuyển thủ và nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi con người, mỗi vị trí có lẽ dễ làm các tuyển thủ có được sự thoải mái hơn để cống hiến và để tăng động lực khi khoác áo đội tuyển.
Để kết thúc bài này xin mượn lời tâm sự rất thật tình của một cầu thủ với mong muốn sự chia sẻ của mình sẽ làm tốt hơn cho đội tuyển và cho các tuyển thủ sau này: “Tôi ao ước mọi người cứ xem bóng đá như một trò chơi thực sự và hãy nhìn chúng tôi lẫn xem chúng tôi như những con người cần có được sự riêng tư ở CLB hay ở đội tuyển. Hãy để chúng tôi có một cảm giác thoải mái thật sự khi lên tuyển và đừng tạo cho chúng tôi một vách ngăn rằng nhất cử, nhất động và kể cả các cuộc điện đàm của chúng tôi cũng bị kiểm soát. Đời tuyển thủ lên tuyển để cống hiến và để vui mà không cảm thấy thoải mái, thấy tự do thì chán lắm và dễ cạn nhiệt huyết lắm”.
Hy vọng với những tiếng nói thật tình cảm và cũng là một đòi hỏi hay nói đúng hơn là một nhu cầu chính đáng của những tuyển thủ, các nhà làm bóng đá sẽ tìm ra được một giải pháp tốt nhất để đội tuyển thật sự là một mái ấm mà ai cũng thích thú, ao ước được lên đấy, ở đấy như ở trong chính ngôi nhà của mình vậy.
NGUYỄN NGUYÊN