Hồi ký Khi bức màn nhung khép lại - Tư liệu lịch sử về sân khấu cải lương

Hồi ký Khi bức màn nhung khép lại của soạn giả Trần Hà vừa được Nhà xuất bản Thời Đại phát hành. Trải qua vài lần dự định in ấn nhưng không thành, soạn giả Trần Hà gác lại ý định. Thế nhưng, cơ duyên mới đến rất tình cờ, nghệ sĩ Linh Huyền, Giám đốc Công ty Mê Kông Artists, người rất thích nghiên cứu, tìm hiểu về cải lương, hay tin soạn giả có viết hồi ký về sân khấu, đã nhanh chóng nhận đọc bản thảo, nhiệt tình hỗ trợ tác giả xin giấy phép, in thành tác phẩm và tổ chức phát hành, giới thiệu rộng rãi đến công chúng.
Hồi ký Khi bức màn nhung khép lại - Tư liệu lịch sử về sân khấu cải lương

Hồi ký Khi bức màn nhung khép lại của soạn giả Trần Hà vừa được Nhà xuất bản Thời Đại phát hành. Trải qua vài lần dự định in ấn nhưng không thành, soạn giả Trần Hà gác lại ý định. Thế nhưng, cơ duyên mới đến rất tình cờ, nghệ sĩ Linh Huyền, Giám đốc Công ty Mê Kông Artists, người rất thích nghiên cứu, tìm hiểu về cải lương, hay tin soạn giả có viết hồi ký về sân khấu, đã nhanh chóng nhận đọc bản thảo, nhiệt tình hỗ trợ tác giả xin giấy phép, in thành tác phẩm và tổ chức phát hành, giới thiệu rộng rãi đến công chúng.

Hồi ký được soạn giả của các vở tuồng cải lương quen thuộc với khán giả mộ điệu: Chấp cánh chim bằng, Khách sạn hào hoa, Bóng hồng sa mạc, Nửa mảnh tim, Mái tóc người vợ trẻ, Liễu Chương Đài, Nữ chúa một đêm… ấp ủ và viết trong vòng 10 năm (1995 - 2005).

Hồi ký Khi bức màn nhung khép lại có thể được ví như cuốn tư liệu lịch sử về sân khấu cải lương từ trước giải phóng đến giai đoạn hoàng kim của sân khấu cải lương sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong đó, những ký ức về quãng đời làm việc, gắn bó với sân khấu cải lương được soạn giả ghi chép lại khá cặn kẽ, cẩn thận, chi tiết, dựa trên những tình tiết, sự kiện mà ông đã chứng kiến. Thời gian những sự kiện trong hồi ký bắt đầu được kể từ lúc ông lên Sài Gòn làm nghề, sống và gắn bó với sân khấu, nhiệt tình, tích cực đóng góp tài năng, sức sáng tạo nghệ thuật cho hoạt động của các đoàn hát: Tân Hương Hoa, Mai Hoa, Thăng Long Huỳnh Thái, Kim Chung, Thanh Minh - Thanh Nga 2, Trăng Mùa Thu, Dạ Lý Hương, Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, đến lúc ông về nhận công tác tại Sở VH-TT TPHCM, theo dõi mảng hoạt động các đơn vị nghệ thuật.

Người đọc hồi ký sẽ dễ dàng cảm nhận, tất cả những buồn vui của nghiệp viết tuồng được ông kể lại thật sinh động, với nhiều sự kiện, biến cố, ngã rẽ cuộc đời của một soạn giả có tính cách khẳng khái, luôn sống hết mình với nghề, với nghiệp, với người và với đời. Bằng cái nhìn của người trong cuộc, các câu chuyện kể của ông về những người thật, việc thật, ở phía sau bức màn nhung, đã giúp quyển hồi ký chuyển tải được nhiều giá trị lịch sử về sân khấu cải lương thật thú vị, lôi cuốn.

Năm nay, ở vào tuổi thượng thọ (86 tuổi), việc ra mắt được quyển hồi ký cho riêng mình chính là niềm hạnh phúc rất lớn. Soạn giả Trần Hà bộc bạch chân tình: “Không đủ tài viết lách, nên có nhiều chương tôi hành văn thô vụng, chỉ vì quá tham lam muốn nói cho hết, nói cặn kẽ những điều tôi biết, tôi thấy, để may ra có giúp ích được phần nào cho những ai quan tâm tìm hiểu hoạt động của cải lương miền Nam...”.

Với ông, viết hồi ký chính là cách để nhìn lại mình qua hành trình mấy mươi năm tạo được cái nghề và một chút tiếng tăm với nhiều gian khó, đắng cay. Qua mấy mươi năm lăn lộn với gió, mưa, cát, bụi của biển đời, ông tự ví mình như con thuyền đã trở về với bến xưa, cằn cỗi, giống như hình ảnh trong câu thơ của thi sĩ Huê Phong đã viết: Thuyền nghe mỏi rạn trong xương cốt/ Nằm kể cùng sông chuyện hải hồ… Thế là ông chăm chỉ kể câu chuyện cuộc đời mình trong suốt 10 năm, tưởng nhớ và ghi chép lại những ký ức, quá khứ buồn vui, những giai đoạn thăng trầm cùng nghề, cùng nghiệp, với anh em, bạn bè, thân hữu… bằng cái lối kể chuyện thong thả, ung dung, sảng khoái, tự tại. Kết thúc những câu chuyện rất đời và mang đậm chất nghề ấy, ông đã cảm tác: Khi bức màn nhung khép lại rồi/ Ta về đạm bạc muối dưa thôi/ Áo xiêm, phẩm tước cùng xa mã/ Vay mượn đấy thôi. Gửi lại đời…

Nghệ sĩ Linh Huyền, Giám đốc Công ty Mê Kông Artists, chia sẻ: “Đây là cuốn sách quý cho những ai mong muốn tìm hiểu phần nào những thăng trầm của đời người nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật ở miền Nam từ năm 1954 - 1975 và giai đoạn hoàng kim của sân khấu cải lương sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thông qua những trải nghiệm quý giá trong cuộc đời hơn 50 năm gắn bó và cống hiến với đam mê nghệ thuật cải lương, soạn giả Trần Hà đã gom góp ký ức, những kỷ niệm vui buồn và cả những uẩn khúc chưa từng kể ai biết, để bộc bạch với ngôn phong ấn tượng, đôi khi “rất” Hán, thỉnh thoảng “thật” Nôm, lối hành văn gần với biện luận. Điều tôi tâm đắc là qua đó ông đã góp thêm tư liệu về nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới cải lương, về những ai đã có đóng góp thật sự cho từng tác phẩm và cho sự phát triển của sân khấu cải lương…”.

Với tấm lòng và đam mê dành cho nghệ thuật sân khấu cải lương, nữ nghệ sĩ Linh Huyền và chồng là họa sĩ Richard di San Marzano đã dành nhiều tâm huyết, chi phí và công sức cho các dự án gìn giữ và phát triển nghệ thuật cải lương tại TPHCM.

Soạn giả Trần Hà tên thật là Nguyễn Văn Thiệt, sinh năm 1928 tại làng Nhâm Lăng, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Trước 1975, ông tham gia hoạt động trong rất nhiều đoàn cải lương. Sau giải phóng, ông công tác hơn 20 năm tại Sở Văn hóa Thông tin TPHCM, là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Sân khấu TPHCM khóa 1, từng phụ trách các đoàn cải lương Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Thanh Nga…

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục