Cuốn hồi ký “Thương Tín - Một đời giông bão” của diễn viên điện ảnh nổi tiếng một thời vừa ra mắt đã nhận được sự chú ý của bạn đọc cả nước.
Sốc và thất vọng
Ngay từ khi thông tin về cuốn hồi ký của nghệ sĩ Thương Tín xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, rất nhiều bạn đọc lớn lên trong thập niên 80, 90 của thế kỷ trước đều quan tâm, chờ đợi. Thế nhưng, khi cuốn sách ra mắt, tại các diễn đàn về sách, đánh giá về tác phẩm này đa số bạn đọc đều cho rằng sách gây sốc và thất vọng cho người đọc. Sốc là vì trong tác phẩm phô bày một quá khứ quá dữ dội của tác giả, đặc biệt là mối quan hệ cá nhân với những người phụ nữ khác, thậm chí cả chuyện bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ cũng được nhắc đến. Thất vọng vì Thương Tín là một tên tuổi lớn của điện ảnh Việt Nam, có thể xem anh như một trong những cá nhân tiêu biểu thời kỳ vàng son của nền điện ảnh nước nhà những năm thời bao cấp. Khi đó, hình ảnh Thương Tín trong các bộ phim Biệt động Sài Gòn, Ván bài lật ngửa, Chiến trường chia nửa vầng trăng, SBC… trở nên quen thuộc. Thế nhưng, trong hồi ký của mình anh hầu như không nhắc gì đến những chuyện thời đóng phim; rất nhiều chi tiết, nhiều vấn đề của điện ảnh khi đó Thương Tín là người trong cuộc mà bạn đọc chờ đợi đã không xuất hiện. Cuốn hồi ký tuy được thể hiện khá hấp dẫn về mặt văn chương nhưng nội dung lại chỉ như câu chuyện “ngồi lê đôi mách”, giá trị nội dung hầu như không có vì chuyện riêng tư của người nghệ sĩ thực tế không có liên hệ gì với đời sống xã hội khi đó mà chỉ thuần túy mang tính cá nhân.
Nghệ sĩ Thương Tín trong buổi ra mắt hồi ký
Hồi ký của Thương Tín nhắc bạn đọc nhớ về một cuốn hồi ký từng cực kỳ nổi tiếng: Lê Vân - Yêu và sống. Cũng người nổi tiếng, cũng những tiết lộ gây sốc về cuộc sống gia đình, cá nhân. Kết quả, tuy cuốn hồi ký rất thành công giai đoạn đầu nhưng sau đó chịu sự phê phán của bạn đọc vì những chi tiết trong tác phẩm gây phản cảm. Bản thân tác giả cũng gặp nhiều vấn đề về gia đình sau đó, do tác phẩm nhắc nhiều đến những người thân của chị.
Cũng vì thế, khi ra mắt hồi ký của Thương Tín, người chấp bút, nhà báo, nhà văn Đinh Thu Hiền thừa nhận rằng: “…với Thương Tín, đến tuổi này, người khác có ghét anh thì cũng chẳng thay đổi điều gì trong đời cả”. Với Thương Tín thì xem việc thực hiện cuốn hồi ký đơn thuần là để kiếm sống, để có tiền làm lại cuộc đời, gia đình mới của mình sau nhiều khó khăn đã trải qua. Rõ ràng, tác giả đã chuẩn bị tâm lý để đón nhận mọi phản ứng cả tích cực lẫn tiêu cực về tác phẩm của mình.
Hồi ký nghệ sĩ - không dễ viết
10 năm trước, khi Lê Vân - Yêu và sống đang gây sốt cả nước, các nghệ sĩ khác cũng vội vã chuẩn bị tung hồi ký. Ở phía Bắc có Thanh Hoa với những tiết lộ đầy lôi cuốn về cuộc đời mình, Thanh Lam thì tuyên bố hồi ký của mình sẽ gây sốc khi lý giải chuyện dang dở trong tình yêu với một nghệ sĩ nổi tiếng khác. Ở phía Nam, một loạt nghệ sĩ như Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Đàm Vĩnh Hưng… cũng hứa hẹn tung ra hồi ký với những câu chuyện dự báo đầy lôi cuốn. Thế nhưng, cú sốc dư luận phản ứng tiêu cực về cuốn hồi ký của Lê Vân đã chấm dứt tất cả. Đến nay, trừ Đàm Vĩnh Hưng vẫn còn nhắc đến việc ra hồi ký, các nghệ sĩ khác đều đã im lặng.
Thế nhưng như vậy không có nghĩa là người nghệ sĩ thôi không viết hồi ký hay tự truyện. Gần đây nhất, nghệ sĩ nổi tiếng Thành Lộc đã ra mắt cuốn tự truyện Tâm thành và Lộc đời. Không gây chú ý với các chi tiết gây sốc hay những tiết lộ chấn động, cuốn tự truyện của Thành Lộc chỉ như nhìn lại cuộc đời một cách nhẹ nhàng nhất. Chính vì thế tác giả chỉ lựa chuyện vui, lựa người tốt, những cá nhân đẹp đẽ để đưa vào tác phẩm, các chuyện không vui, những con người không tốt đều chỉ nhắc thoáng qua, không để lại dấu ấn sâu trong tác phẩm. Hồi ký của nghệ sĩ Thành Lộc vì thế không gây sốc, không nặng nề nhưng vẫn thu hút người đọc ở cái tâm của một con người.
Viết hồi ký, tự truyện nghệ sĩ vốn được coi là việc khó bởi về cơ bản họ vẫn là những con người bình thường. Nếu khai thác những chi tiết cá nhân, riêng tư có thể thu hút bạn đọc phút ban đầu nhưng lại trả giá rất nặng nề về cá nhân cũng như những mối quan hệ khác. Đó là chưa kể có nghệ sĩ viết hồi ký không phải để chia sẻ mà là mượn tác phẩm để công kích, phê phán người khác hay thể hiện những cảm xúc tiêu cực của cá nhân. Có người viết hồi ký để thanh minh những lỗi lầm của quá khứ, từ đó tìm kiếm sự tha thứ của công luận.
Năm 2016 dự báo sẽ là năm bùng phát hồi ký, tự truyện của giới nghệ sĩ bởi họ đã tìm thấy ở đó một công cụ hiệu quả để đáp ứng những nhu cầu cá nhân. Thế nhưng với người đọc, lựa chọn một tác phẩm hay, hấp dẫn và có giá trị lại là một việc khó khăn nếu không muốn phải tiếp nhận những tác phẩm gây thất vọng với người đọc.
Tường Vy