Trong 2 ngày 15 và 16-2, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ sẽ diễn ra tại Sunnylands, California (Hoa Kỳ). An ninh hàng hải và thương mại là 2 vấn đề chính sẽ được các bên thảo luận trong hội nghị lần này bên cạnh các vấn đề về biến đổi khí hậu, chống khủng bố, buôn người…
Xây dựng trật tự dựa trên luật pháp
Theo ước tính, hàng hóa lưu thông qua biển Đông vào khoảng 5.000 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, việc Trung Quốc thời gian qua đẩy mạnh bồi đắp, xây dựng trái phép cùng với những tuyên bố chủ quyền phi lý trên biển Đông khiến nhiều quốc gia Đông Nam Á và cộng đồng quốc tế quan ngại hành động của Trung Quốc sẽ làm ảnh hưởng đến tuyến hàng hải quan trọng. Vì vậy, Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm đến an ninh hàng hải ở biển Đông. Phó cố vấn an ninh của Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ Ben Rhodes tuyên bố Hoa Kỳ ủng hộ việc giải quyết tranh chấp, vướng mắc thông qua luật pháp quốc tế “chứ không phải kiểu quốc gia lớn bắt nạt quốc gia nhỏ”.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ - ASEAN năm 2014 tại Hawaii
Ngoài việc thể hiện rõ lập trường, Washington còn công bố kế hoạch chi 150 triệu USD trong 2 năm tới để hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á tăng cường sức mạnh quân sự. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng đạt được thỏa thuận với Philippines và Singapore về việc duy trì sự hiện diện quân sự ở biển Đông.
Trong một cuộc họp báo với Ngoại giao Hoa Kỳ tại Bắc Kinh vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói Trung Quốc đang kiên quyết bảo vệ hòa bình và ổn định tại biển Đông. Tuy nhiên, ông Shohib Masykur, học giả tại Viện Nghiên cứu xã hội Hoa Kỳ-Indonesia thì cho rằng việc làm của Bắc Kinh không đi liền với những tuyên bố và vì vậy, biển Đông sẽ là một điểm nóng về an ninh của khu vực. Dan Kritenbrink, giám đốc cấp cao về các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ nhận định Washington xem hội nghị cấp cao đặc biệt lần này là cơ hội để củng cố mục tiêu “xây dựng trật tự dựa trên luật pháp” ở biển Đông.
Thúc đẩy thương mại
ASEAN chiếm vị trí đặc biệt quan trọng đối với các công ty Hoa Kỳ. Thương mại hàng hóa và dịch vụ song phương năm 2014 là 254 tỷ USD, đưa ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hoa Kỳ. FDI của Hoa Kỳ vào ASEAN đạt 226 tỷ USD năm 2014, đưa Hoa Kỳ vào nhóm các nhà đầu tư lớn nhất của ASEAN.
Tại hội nghị lần này, Washington hy vọng sẽ thuyết phục được thêm thành viên của ASEAN tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Malaysia, Việt Nam, Brunei và Singapore đã đặt bút ký hiệp định, trong khi đó, Indonesia, Philippines và Thái Lan cũng có những dấu hiệu cho thấy các quốc gia này rất quan tâm đến TPP.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Masykur, hiện một số thành viên của ASEAN đang có tâm lý lo ngại về việc TPP làm chia rẽ Cộng đồng kinh tế ASEAN giữa các thành viên ASEAN gia nhập TPP và những thành viên còn lại. Điều này sẽ cản trở quá trình hội nhập của các thành viên trong khối. Việc TPP vắng bóng Trung Quốc, một trong những đối tác thương mại hàng đầu của nhiều quốc gia ASEAN cũng là điều khó xử. Ngoài ra, Washington gặp khó trong việc triển khai các dự án ở các nước ASEAN do sự đa dạng về chính trị, kinh tế. Về kinh tế, Singapore theo đuổi nguyên tắc thị trường tự do, Indonesia mang tính bảo hộ cao, kinh tế Myanmar kém phát triển ở châu Á...
Do đó, cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và các nhà lãnh đạo ASEAN tại Sunnylands có thể sẽ tạo ra nhiều cơ hội để thắt chặt quan hệ giữa Washington và ASEAN.
|
ĐỖ CAO (tổng hợp)
| ||