Hội nghị "chào hàng" nông sản - thực phẩm Việt Nam quy mô quốc tế

Theo Bộ Công thương, chiều nay 22-9, lần đầu tiên có một hội nghị quy mô quốc tế để chào hàng, giới thiệu các mặt hàng, sản phẩm nông sản - thực phẩm của Việt Nam ra nhiều quốc gia trên thế giới ngay từ Việt Nam.

Văn phòng Bộ Công thương thông tin, chiều nay 22-9 tại Hà Nội, sẽ diễn ra hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế về nông sản, thực phẩm Việt Nam 2020 thông qua hình thức trực tuyến. 

"Đây là hội nghị giao thương trực tuyến lớn nhất trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm được tổ chức từ trước tới nay, có sự kết nối đồng thời với nhiều thị trường nước ngoài"- Bộ Công thương nhấn mạnh. 

Do tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt 26,15 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2019. 

Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 12 tỷ USD, giảm 3,2%; sản phẩm chăn nuôi ước đạt 250 triệu USD, giảm 25%; thủy sản ước đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3%.

Thông qua hội nghị giao thương này, doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ hiểu rõ hơn nhu cầu, năng lực của nhau, tiến tới thỏa thuận các cơ hội hợp tác kinh doanh vì lợi ích của các doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch và xây dựng các chiến lược phát triển kinh doanh bền vững cho đa dạng sản phẩm nông sản, thực phẩm.

Trong khuôn khổ hội nghị, trên 150 doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ giao dịch trực tuyến với hơn 30 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nông sản, thực phẩm của Việt Nam.

Các doanh nghiệp nước ngoài tham dự hội nghị đến từ 28 thị trường xuất khẩu của Việt Nam gồm: Ấn Độ, Bangladesh, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Myanmar, Nhật Bản (châu Á); Anh, Belarus, Bỉ, Đan Mạch, Đức, Hungary, Italia, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ (châu Âu); Algeria, Iran, Israel, UAE (châu Phi – Trung Đông); Brazil, Canada, Chile, Ecuador, Hoa Kỳ, Mexico (châu Mỹ). 

Trong số này, Nhật Bản, Bangladesh, Angieria, Hồng Kông, Vương quốc Anh là những thị trường có số lượng nhà nhập khẩu tham gia đông nhất.

Các doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội nghị đến từ 12 tỉnh, thành phố của Việt Nam là Bắc Giang, Cần Thơ, Đắk Lắk, Hà Nội, Hải Phòng, Hậu Giang, TPHCM, Kiên Giang, Lâm Đồng, Long An, Nghệ An và Quảng Ngãi.

Những ngành hàng được giới thiệu, quảng bá và giao thương tại hội nghị gồm: rau củ quả (tươi, khô, cấp đông), gạo, đỗ, ngô, khoai, đồ uống (chè, cà phê, sữa, nước ép trái cây), bánh kẹo, thủy sản, hạt tiêu, quế, hồi, mì, miến...

Tin cùng chuyên mục