Hội nghị Ngoại trưởng G-7: Giải trừ vũ khí hạt nhân và an ninh hàng hải

Ngày 10-4, Hội nghị kéo dài 2 ngày của Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G-7) đã khai mạc tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Ngoài các vấn đề toàn cầu như cuộc khủng hoảng người di cư, cuộc chiến chống khủng bố, tình hình Ukraine..., dự kiến các ngoại trưởng sẽ thảo luận về các vấn đề về giải trừ vũ khí hạt nhân và an ninh hàng hải.
Hội nghị Ngoại trưởng G-7: Giải trừ vũ khí hạt nhân và an ninh hàng hải

Ngày 10-4, Hội nghị kéo dài 2 ngày của Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G-7) đã khai mạc tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Ngoài các vấn đề toàn cầu như cuộc khủng hoảng người di cư, cuộc chiến chống khủng bố, tình hình Ukraine..., dự kiến các ngoại trưởng sẽ thảo luận về các vấn đề về giải trừ vũ khí hạt nhân và an ninh hàng hải.

Khủng bố, giải trừ vũ khí hạt nhân và an ninh hàng hải là những chủ đề chính trong hội nghị

Cảnh cáo Triều Tiên

Một ngày trước khi khai mạc hội nghị, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra cảnh báo cứng rắn với Triều Tiên về các hành động có thể gây bất ổn thêm cho khu vực, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công một động cơ thiết kế cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có tầm bắn vươn tới lãnh thổ nước Mỹ. Trong khi đó, phát biểu trong một sự kiện cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cảnh báo Triều Tiên sẽ phải trả giá đắt vì các hành vi mang tính khiêu khích, bất chấp phản ứng của cộng đồng quốc tế. Trước đó, ngày 8-4, Triều Tiên thông báo đã thử nghiệm thành công một động cơ thiết kế cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mà theo nhà lãnh đạo Kim Jong-un, giờ đây Bình Nhưỡng có thể lắp đầu đạn hạt nhân vào loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, có thể đưa bất kỳ kẻ thù nào, trong đó có phần lục địa của Mỹ, vào tầm tấn công.

Theo Reuters, một trong những mục tiêu lớn nhất của Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida là thông qua Tuyên bố Hiroshima, thúc đẩy quá trình giải giáp hạt nhân nhằm tìm kiếm một thế giới không vũ khí hạt nhân. Khả năng lớn nhất là các nước sẽ ra một tuyên bố mạnh mẽ, yêu cầu CHDCND Triều Tiên ngừng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, củng cố các biện pháp chống phổ biến vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân hóa. Hiện nay, Nhật Bản vẫn kiên trì theo đuổi quan điểm thúc đẩy một thế giới không còn vũ khí hạt nhân.

An toàn an ninh hàng hải

Bất chấp lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 8-4, theo đó G-7 chỉ nên tập trung vào chủ đề kinh tế, theo hãng tin Kyodo, một tuyên bố về an ninh hàng hải dự kiến được công bố sau khi Hội nghị Ngoại trưởng G-7 kết thúc. Văn kiện trên dự kiến phản đối mạnh mẽ việc đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và các quyền hàng hải thông qua đe dọa hoặc vũ lực. Ngoài ra, các ngoại trưởng sẽ bày tỏ quan ngại trước hoạt động xây dựng và triển khai vũ khí trái phép của Trung Quốc ở biển Đông. Họ cũng kêu gọi giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do đi lại giữa lúc có những phỏng đoán Bắc Kinh đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông.

Nhật Bản hy vọng khuôn khổ G-7 sẽ giúp kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc bất chấp quan hệ 2 nước có thể xấu thêm trong bối cảnh Tokyo và Bắc Kinh đang tranh cãi về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó, Mỹ và Nhật Bản cũng tỏ rõ quan điểm sẽ thảo luận về vấn đề biển Đông và an ninh, an toàn hàng hải tại hội nghị năm nay.

Phát biểu trước thềm hội nghị, Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier bày tỏ hy vọng khôi phục khuôn khổ G-8 với sự tham gia của Nga. Ông cho rằng không thể giải quyết một cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng nào nếu không có Nga. Tuy nhiên, ông Steinmeier khẳng định chưa thể nối lại khuôn khổ G-8 trong năm nay, đồng thời chỉ rõ điều kiện tiên quyết để Nga quay trở lại G-8 là việc nước này đóng góp vào giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Ukraine và tiếp tục vai trò xây dựng trong việc thiết lập hòa bình ở Syria.


HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục