Hội nghị quan chức cao cấp APEC 2017: Nhân lực là yếu tố hàng đầu

Trong ngày 22-2, vấn đề nguồn nhân lực (NNL) tiếp tục được đưa ra bàn thảo. Tại hội thảo này, các nội dung chính được nêu ra xoay quanh chủ đề phát triển mạng lưới về Nâng cao năng lực, Giáo dục và Bảo vệ người lao động.
Hội nghị quan chức cao cấp APEC 2017: Nhân lực là yếu tố hàng đầu

(SGGPO).- Trong ngày 22-2, vấn đề nguồn nhân lực (NNL) tiếp tục được đưa ra bàn thảo. Tại hội thảo này, các nội dung chính được nêu ra xoay quanh chủ đề phát triển mạng lưới về Nâng cao năng lực, Giáo dục và Bảo vệ người lao động.

Tiếp tục các sự kiện trong chuỗi Hội nghị quan chức cao cấp APEC 2017 đang diễn ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, trong ngày 22-2 tiếp tục diễn ra 11 cuộc hội thảo.

Trong ngày làm việc này, một lần nữa vấn đề về phát triển nguồn nhân lực trong cộng đồng các quốc gia APEC đặc biệt được quan tâm.

Hội thảo bàn giải pháp phát triển nhân lực

Được đánh giá là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu trong xu thế hội nhập hiện nay, vấn đề phát triển nguồn nhân lực được đông đảo các đại biểu tham dự hội nghị, báo chí quan tâm. Bởi vậy, từ ngày khởi động chương trình Hội nghị APEC 2017 (ngày 18-2) đến nay, đã có 5 cuộc họp, hội thảo liên quan vấn đề phát triển NNL diễn ra.

Trong ngày 22-2, vấn đề NNL tiếp tục được đưa ra bàn thảo. Tại hội thảo này, các nội dung chính được nêu ra xoay quanh chủ đề phát triển mạng lưới về Nâng cao năng lực, Giáo dục và Bảo vệ người lao động.

Các cuộc họp đã rà soát những kết quả đạt được trong năm 2016, đồng thời thảo luận và thống nhất các định hướng, ưu tiên hợp tác năm 2017, trong đó có việc triển khai Chiến lược giáo dục của APEC, chuẩn bị cho Đối thoại chính sách cao cấp về Phát triển NNL trong kỷ nguyên số vào tháng 5-2017 tại thành phố Hà Nội, cũng như Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 7 về phát triển NNL dự kiến diễn ra vào năm 2018.

Tại các cuộc hội thảo về NNL, đại diện phía Việt Nam nêu rõ: Việt Nam nhận thức rõ vị trí quan trọng hàng đầu của yếu tố con người trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đã xác định phát triển NNL, nhất là NNL chất lượng cao, là một khâu đột phá chiến lược để phát triển bền vững kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hướng tới mục tiêu thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việt Nam khẳng định vấn đề NNL của quốc gia đang trong thời kỳ “dân số vàng”, đây là cơ hội, lợi thế quan trọng mà Việt Nam phải nỗ lực phát huy để nâng cao năng lực cạnh tranh của NNL quốc gia, góp phần phát triển nhanh, hiệu quả và hội nhập ngày càng sâu rộng vào các cơ chế hợp tác, liên kết khu vực và quốc tế, nhất là các hiệp định về kinh tế sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo về phát triển NNL, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng khẳng định: “Việt Nam luôn nhìn nhận giáo dục là nền tảng quan trọng để xây dựng và phát triển NNL, từ đó nuôi dưỡng, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và đổi mới, đồng thời nêu bật những thành tựu về đổi mới giáo dục của Việt Nam thời gian qua".

Trong khi đó, các đại biểu quốc tế tham dự hội thảo về phát triển NNL đều nhấn mạnh: Hợp tác về phát triển NNL trong cộng đồng APEC sẽ góp phần không nhỏ trong thúc đẩy thương mại và đầu tư, hướng tới tăng trưởng kinh tế, gắn kết xã hội và thịnh vượng của các nền kinh tế thành viên. Đây được xem là vấn đề then chốt để các quốc gia trong cộng đồng APEC có những hợp tác toàn diện, hiệu quả hơn.

Với tư cách chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đề nghị các đại biểu tập trung bàn thảo về việc làm thế nào có thể xây dựng, thúc đẩy các hoạt động hợp tác hiệu quả và bền vững, trước mắt bắt đầu từ hợp tác song phương và hướng tới đa phương trong tương lai, thông qua các dự án, sáng kiến hay chương trình nhằm giúp cho tất cả các nước thành viên APEC giải quyết được những vấn đề về phát triển NNL. Từ đó phát huy tối đa vai trò nền tảng của giáo dục trong việc tạo ra các thành tựu đổi mới của thế kỷ 21.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo

Theo ông Phạm Mạnh Hùng, để tạo dựng các cơ hội hợp tác giáo dục, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ mang tính hệ thống phù hợp với đặc điểm hệ thống giáo dục của mỗi nước. Việt Nam mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm cũng như nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước thành viên APEC trong công cuộc đổi mới giáo dục của mình. Mặc dù APEC được thành lập nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả khu vực, song chúng ta đều thấy rõ rằng cùng với sự lớn mạnh về tài sản quốc gia, chúng ta đồng thời cũng đạt được nhiều tiến bộ trong giáo dục với tư cách một nước thành viên, một khu vực cũng như một tổ chức thống nhất.

Các nền kinh tế APEC nhất trí quan điểm giáo dục và đào tạo là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội của APEC và tập trung trao đổi về một số chủ đề như: Chiến lược giáo dục APEC; tăng cường giáo dục xuyên biên giới; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; xem xét các khía cạnh công nhận văn bằng giáo dục trong khuôn khổ APEC; kết nối các nền giáo dục đại học APEC nhằm hỗ trợ và chia sẻ công nghệ đào tạo giúp các quốc gia đang phát triển nâng cao chất lượng NNL.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục