Sau khi bị hoãn nhiều lần, ngày 23-10, lãnh đạo 27 nước Liên minh châu Âu (EU) lại tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tại Brussels tiếp tục tìm cách giải cứu khu vực đồng EUR (eurozone) khỏi khủng hoảng nợ công. Đây là một trong những tuần lễ quan trọng nhất trong gần 2 năm khủng hoảng nợ khi có đến hai cuộc họp thượng đỉnh diễn ra chỉ trong một tuần.
Ra tay cứu hệ thống ngân hàng
Trước khi hội nghị diễn ra, ngày 22-10, cuộc họp của các bộ trưởng tài chính EU ở Brussels, cùng sự có mặt của Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp, đã đạt được thỏa thuận đầu tiên. Theo đó, châu Âu đồng ý lập quỹ cứu nguy eurozone trị giá 596 tỷ USD và bơm thêm 140 tỷ USD để tái cấp vốn cho các ngân hàng. Các ngân hàng phải nâng mức vốn cơ bản và quỹ cứu trợ như một phương tiện bảo hiểm đối với các trái phiếu được phát hành bởi các nước yếu trong khu vực.
Theo IHT, thỏa thuận đạt được sau khi các bộ trưởng châu Âu nhận được một báo cáo của EU, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Theo đó, các ngân hàng tư nhân châu Âu sẽ phải chấp nhận lỗ khoảng 60% trên các công trái Hy Lạp do họ nắm giữ, để tỷ lệ nợ công của Hy Lạp giảm từ 162% GDP xuống mức nước này có thể chịu đựng được, 120% GDP (tỷ lệ thua lỗ này cách đây 3 tháng là 21%).
Áp lực thời gian
Mặc dù giới chức châu Âu cam kết bằng mọi giá sẽ công bố kế hoạch vô cùng quan trọng để giải cứu eurozone vào ngày 23-10, song tính chất quan trọng của kế hoạch và thời hạn 23-10 đã dồn áp lực lên các thành viên của khối.
Hội nghị đề cập đến 5 vấn đề, trong đó ngoài quyết định giải ngân đợt tiếp theo, EU lên kế hoạch cho gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp trong bối cảnh nước này điều chỉnh tái cân bằng ngân sách; tái cấp vốn cho các ngân hàng nhằm tránh nguy cơ sụp đổ dây chuyền; tăng cường Quỹ ổn định tài chính (hiện gồm 440 tỷ euro) nhằm phù hợp với quy mô cuộc khủng hoảng hiện nay; thành lập chính phủ kinh tế thống nhất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong ngày 23-10, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ cố gắng đạt được những ý chính của thỏa thuận đạt được ngày 22-10. Thực tế, thỏa thuận này vẫn đang vấp phải nhiều chướng ngại vật. Chẳng hạn, một trong những thành phần chính của kế hoạch kể trên là nội dung chi tiết gói cứu trợ Hy Lạp thứ 6 trị giá 8 tỷ EUR (11 tỷ USD) vừa được thông qua ngày 21-10. Các ngân hàng phải tăng được vốn như yêu cầu trong thời hạn bao lâu; các chính phủ hay quỹ cứu trợ sẽ phản ứng như thế nào nếu các thị trường tư nhân từ chối tài trợ…
Kế hoạch đầy tham vọng
Lãnh đạo Pháp và Đức còn dự kiến có cuộc họp thượng đỉnh thứ hai vào ngày 25-10. Các lãnh đạo châu Âu sẽ có một cuộc họp thượng đỉnh nữa vào ngày 26-10 bởi vì họ sẽ không thể đồng thuận về một kế hoạch cứu trợ đồng EUR vào thời hạn ngày 23-10. Rõ ràng, Hội nghị thượng đỉnh ngày 26-10 vô hình trung hạ thấp khả năng thành công của cuộc họp thượng đỉnh ngày 23-10.
Tiếp sau các cuộc họp thượng đỉnh ngày 23 và 26-10 tại Brussels, vào đầu tháng 11, các lãnh đạo G-20 sẽ gặp nhau tại Cannes (Pháp). Tuy nhiên, giới quan sát không kỳ vọng nhiều vào hiệu quả các cuộc họp G-20 để giải quyết vấn đề của eurozone vì chỉ 3 trong số 17 nước thành viên eurozone nằm trong G-20.
Lịch trình này cho thấy mức độ phức tạp của các vấn đề trên, thường đòi hỏi khoảng thời gian giải quyết tính bằng tuần chứ không phải bằng ngày. Vì vậy, kỳ vọng về một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo châu Âu trong tuần này sẽ “giải quyết dứt điểm những thách thức hiện tại thông qua một kế hoạch toàn diện” có thể là một kế hoạch thừa tham vọng nhưng thiếu hành động cụ thể.
HẠNH CHI