Lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang tiến hành thảo luận để đi đến thỏa thuận đóng cửa lộ trình di cư bất hợp pháp qua vùng Balkan tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong ngày 7-3 tại Brussels (Bỉ).
Giải quyết khủng hoảng tới cùng
Hãng tin DPA (Đức) dẫn lời Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz xác nhận, EU sẽ nhất trí đóng cửa lộ trình Balkan nhằm ngăn chặn dòng người di cư vào châu Âu và giải tỏa áp lực cho các quốc gia cửa ngõ như Hy Lạp. Các nhà lãnh đạo EU cũng thảo luận về một số vấn đề liên quan trước khi đưa ra kết luận cuối cùng như việc hỗ trợ khẩn cấp cho Hy Lạp nhằm giúp nước này giải quyết tình trạng quá tải người tị nạn hiện nay sau khi các quốc gia trên lộ trình Balkan và Áo lần lượt tuyên bố đóng cửa biên giới và hạn chế tiếp nhận người di cư. Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất hỗ trợ 700 triệu EUR cho Athens.
Làn sóng người tị nạn Syria vẫn ồ ạt tràn vào châu Âu
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cũng tham dự hội nghị lần này và đây là cuộc gặp lần thứ hai giữa hai bên trong chưa đầy 3 tháng qua để thảo luận việc Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng tiếp nhận trở lại người di cư tới châu Âu. Tuy nhiên, khoản cam kết 3 tỷ EUR mà EU hứa viện trợ cho Ankara vẫn chưa đủ, nếu không muốn nói là quá ít. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan chỉ trích châu Âu chưa làm tròn trách nhiệm của họ khi tiếp nhận quá ít người nhập cư và bỏ mặc Thổ Nhĩ Kỳ với gánh nặng này.
Theo kế hoạch, sau cuộc gặp với Thủ tướng Davutoglu, các nhà lãnh đạo 28 nước EU sẽ tiếp tục nhóm họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng hiện nay.
Cần giải pháp bền vững
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng phản đối yêu cầu đòi đóng cửa tuyến lộ trình Balkan đối với người tị nạn. Bà Merkel nhấn mạnh số lượng người tị nạn phải giảm không chỉ đối với một vài nước mà phải với tất cả các nước và do vậy, cần có một giải pháp bền vững với Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu này của nữ Thủ tướng Đức nhằm bác bỏ cách diễn giải dự thảo tuyên bố cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh EU, trong đó nói rằng tuyến lộ trình Balkan cho người di cư vào châu Âu sẽ bị đóng lại. Trước đó, báo chí dẫn các nguồn tin từ Brussels cho biết, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng muốn sửa đổi cách diễn giải mà báo chí vừa nêu, liên quan việc đóng cửa tuyến lộ trình Balkan cho người tị nạn từ Syria. Theo nguồn tin, việc đóng cửa như vậy là không phù hợp với thực tế, ngay cả khi số người tị nạn vào châu Âu đã giảm đáng kể.
Tại Brussels, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã có cuộc gặp song phương trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh EU - Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Davutoglu bày tỏ lạc quan về việc hợp tác toàn diện với EU giải quyết khủng hoảng hiện nay, trong khi Thủ tướng Tsipras yêu cầu có tình đoàn kết giữa các đối tác EU tại Brussels.
NATO đưa ra quyết định trên sau khi các bộ trưởng quốc phòng của 28 nước thành viên hôm 11-2 yêu cầu lập tức cử 3 tàu của liên minh này tới biển Aegean. Theo ông Stoltenberg, hiện Pháp đã thông báo đang gửi một tàu tham gia chiến dịch của liên minh quân sự này.
Thủ tướng David Cameron ngày 7-3 thông báo sẽ gửi 3 tàu chiến tham gia vào chiến dịch tuần tra của NATO trên vùng biển Aegean, để phát hiện các nhóm buôn người và chặn làn sóng người di cư. Thủ tướng Anh nhấn mạnh quyết tâm phá vỡ các mạng lưới buôn người trên biển Aegean và gửi một thông điệp rõ ràng với người di cư muốn vượt biển sang châu Âu rằng chắc chắn họ sẽ bị bắt trả về nước.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, ngày 6-3 ít nhất 25 người di cư, trong đó có 10 trẻ em, đã thiệt mạng khi chiếc thuyền gỗ chở họ bị đắm ở biển Aegean trên đường từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp. |
VIỆT ANH (tổng hợp)