Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nga: Thúc đẩy kinh tế toàn cầu

Trong 2 ngày 5 và 6-9 tới, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sẽ tổ chức tại thành phố St. Petersburg, Nga. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, chống gian lận thuế, giải quyết tình trạng thất nghiệp tăng cao là những vấn đề sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị.
Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nga: Thúc đẩy kinh tế toàn cầu

Trong 2 ngày 5 và 6-9 tới, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sẽ tổ chức tại thành phố St. Petersburg, Nga. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, chống gian lận thuế, giải quyết tình trạng thất nghiệp tăng cao là những vấn đề sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị.

        Chống tình trạng gian lận thuế

Trả lời phỏng vấn hãng tin Russia Today, Thứ trưởng Bộ tài chính Nga Sergey Storchak ngày 3-9 cho hay, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ… có dấu hiệu chậm lại, thúc đẩy tăng trưởng là điều hết sức cần thiết. Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới, phục hồi hết sức mong manh. Châu Âu dần thoát khỏi khủng hoảng nhưng nỗi lo nợ công vẫn lơ lửng.

Thêm nữa, tháng 6 vừa qua, người đứng đầu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke đã thông báo về khả năng rút giảm dần chương trình nới lỏng định lượng (QE3) nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục cải thiện như dự kiến.

Tuyên bố này đã làm các nhà đầu tư và một số nền kinh tế mới nổi gia tăng lo ngại về sự hạ giá của các đồng tiền và sự bất ổn của hệ thống tài chính. Những khó khăn này đặt ra thách thức cho các nhà lãnh đạo của G20 phải giải quyết trong thời gian tới và trước mắt là tại hội nghị ở St. Petersburg.

Cuộc họp Bộ trưởng Tài chính G20 tháng 7 vừa qua.

Cuộc họp Bộ trưởng Tài chính G20 tháng 7 vừa qua.

Trốn thuế, gian lận thuế là chủ đề nóng được thảo luận tại Hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) tại Bắc Ireland tháng 6-2013. Theo Thứ trưởng Bộ tài chính Nga, trốn, gian lận thuế hết sức nhạy cảm nên các nhà lãnh đạo đứng đầu của chính phủ các nước phải chung tay giải quyết vấn đề này. Tháng 7 vừa qua, Hội nghị Bộ trưởng tài chính G20 đã thông qua kế hoạch hành động ngăn chặn các hành vi trốn thuế, trao đổi thông tin về thuế giữa các thành viên trong nhóm. Trước đó, Tổng thống Putin cũng từng lưu ý về cải cách các quy định thuế và các bước đi cụ thể nhằm chống lại tình trạng gian lận thuế.

Tình trạng thất nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng được lưu tâm. Trong đó, nhấn mạnh đến tỷ lệ thất nghiệp về cơ cấu gây ra bởi sự mất cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường lao động trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh tế hiện nay.

Hội nghị năm nay cũng bị phủ bóng bởi vấn đề Syria. Mỹ đang chuẩn bị một cuộc tấn công vào quốc gia Trung Đông với cáo buộc Syria sử dụng vũ khí hóa học, trong khi Nga thẳng thừng tuyên bố không tin vào những chứng cứ đưa ra của Mỹ. Đây cũng sẽ là đề tài làm nóng hội trường của G20.

        Cần thay đổi

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 2-9 cho biết 5 nước thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), gồm Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và Nam Phi sẽ họp riêng để thảo luận dự án thành lập một quỹ dự trữ ngoại tệ chung trị giá 100 tỷ USD bên lề G20. Theo ông Lavrov, quỹ này nhằm ngăn chặn mọi ảnh hưởng tiêu cực của thị trường hối đoái đối với đồng nội tệ của mỗi quốc gia.

Được thành lập 5 năm trước với mục tiêu “giải cứu” cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện đang thay đổi, nhiều nhà kinh tế cho rằng G20 cần điều chỉnh hoạt động để thích ứng với tình hình mới. Giám đốc Viện Phân tích chiến lược Nga Igor Nikolaev cho rằng, G20 không ảnh hưởng lớn đối với các tiến trình kinh tế đang diễn ra trên thế giới. Mặc dù trong thời kỳ khủng hoảng 2008-2009, G20 đưa ra được khá nhiều quyết sách đúng đắn và kịp thời, song nhìn chung hoạt động của G20 sau đó lại đi theo chiều hướng hoàn toàn ngược lại.

Ông Nikolaev cũng cho rằng đề tài thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có vẻ không hợp thời khi mà nền kinh tế tại các quốc gia mới nổi đang có dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng (đồng tiền của Ần Độ, Brazil mất giá; tăng trưởng Trung Quốc chậm lại). Theo chuyên gia người Nga, vấn đề cấp thiết hơn là cùng tìm ra các biện pháp chống khủng hoảng mới.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục