Những đứa trẻ gốc Việt cũng hớn hở phục trang người nhện, lính thủy, ninja, công chúa, cướp biển, khủng long, ong bướm... đến trường. Lễ hội carnival đang tràn ngập các nước Bỉ, Đức, Italia cuối tuần này và kéo dài đến thứ ba Xưng tội (ngày cuối các tín đồ công giáo được phép uống rượu, ăn thịt trước khi sang thứ tư Lễ tro - vào mùa chay). Phục trang đúng kiểu cho con dự carnival cũng là một phần của giao lưu và hội nhập văn hóa đối với bậc cha mẹ gốc Việt.
Lễ diễu hành carnival tại một trường tiểu học ở Bỉ
Ở Bỉ, nhiều trường mẫu giáo, tiểu học lên lịch cho trẻ phục trang carnival cả tuần trước kỳ nghỉ đông. Còn nhớ, hồi con trai vào mẫu giáo, tôi nhận thư của cô giáo dặn “mang 2 kiểu giày và 2 kiểu tất (vớ) đến trường”. Vốn liếng tiếng địa phương còn nghèo nàn, lại không chịu tìm hiểu kỹ, tôi nhanh nhảu nhét 2 đôi giày, 2 đôi tất vào túi cho con. Về nhà, thằng bé phụng phịu: “Cô bảo cả lớp mang giày, mang tất cọc cạch đến trường chứ không phải thay 2 kiểu giày, 2 kiểu tất đâu mà mẹ bắt con xách nặng cả tay”. Thế là một tuần quay như chong chóng với lịch phục trang: thứ hai đội mũ kiểu hip hop, thứ ba đeo mặt nạ, thứ tư trang phục động vật, thứ năm bôi mũi đỏ chú hề, thứ sáu diễu hành đường phố...
Cách đây vài năm, chị Hạnh định cư tại Dresden (Đức) từng gọi điện khuyên: “Về Việt Nam chị thường sắm đủ các cỡ áo dài, áo tứ thân, trang phục của người Tày, người Thái, người Mông... mang sang cho con dùng dần mỗi mùa carnival. Đỡ tốn chi phí và thời gian tìm kiếm lại còn giới thiệu được văn hóa Việt”. Tháng 9-2012, Đại sứ Việt Nam tại Brussels từng trao tặng áo dài khăn đóng cho Manneken-pis, biểu tượng của nước Bỉ. Nhìn “chú bé tè” diện trang phục liền anh quan họ ngay giữa thủ đô châu Âu, tôi cũng xúc động.
Con trẻ bao giờ cũng giúp cha mẹ hội nhập nhanh hơn. Anh Thanh - làm đầu bếp hơn chục năm nay tại Bỉ, mới đón vợ con sang TP Aalst đoàn tụ được hơn 1 năm, đã nghe vợ ca cẩm: “Sao bên này trẻ con đến trường không tốn tiền học thêm mà chỉ tốn tiền chơi”. Aalst chính là “thủ phủ” của lễ hội carnival tại Bỉ. Lễ hội hóa trang, diễu hành ở trung tâm thành phố kéo dài ít nhất cũng 3 ngày. Dịp này trời thường mưa nhiều, vẫn không gột rửa hết mùi rượu bia, khoai tây chiên đẫm dầu và bánh waffle nướng thoang thoảng trên phố khi buổi chiều muộn tôi đến chơi nhà anh Thanh. Vợ anh xem ra vẫn “sốc” văn hóa lắm: “Cô xem, tôi phải lùng khắp mấy siêu thị mới mua được bộ cướp biển cho thằng lớn, bộ công chúa cho con bé. Mỗi bộ cũng 20 - 30 EUR chứ không ít. Khệ nệ khuân về nhà, mặt chúng nó chảy ra: đồ cướp biển còn thiếu cái bịt mắt, mẹ không xem truyền hình dựng cướp biển độc nhãn à. Còn đứa con gái ỉ ôi: Mẹ ơi, con đã nói rõ đồ của Frozen - nữ hoàng băng giá cơ mà, váy phải màu xanh, khăn choàng trắng gắn kim tuyến, không cần vương miện vì công chúa Anna đã vứt đi rồi...”.
Tôi lại lôi kinh nghiệm học ở những người nhập cư lâu năm hơn, chia sẻ: “Chị giữ riêng một tủ đựng đồ carnival cho con. Cứ đứa bé dùng lại của đứa lớn, tranh thủ lúc du lịch đâu đó mua đồ rẻ và lạ về cất tủ cho con dùng dần. Tích cực dùng đồ cũ, phục trang con nhà bác chuyển cho con nhà chú”. Nghe tôi nói đến đây, anh Thanh vỗ đùi đen đét, quay ra vợ: “Em thấy chưa. Mấy tháng trước anh chị tôi từ Italia qua chơi, mang cho một bao tải đồ carnival của các cháu đã lớn không dùng nữa. Italia là thiên đường của Carnival cơ mà, bao đồ đẹp. Mà em chê anh chị ở châu Âu lâu rồi vẫn không bỏ thói quen giữ chổi cùn rế rách. Người châu Âu giữ đồ cũ giỏi hơn mình ấy chứ, bảo sao họ lắm bảo tàng thế”.
Chuyện hội nhập carnival chưa đến hồi kết. Bởi lúc này ở Đức, chị Hạnh hào hứng mở ngăn tủ chứa dăm chục bộ carnival sưu tầm được ra cho con chọn. Phản diện - chính diện, công chúa - phù thủy, đủ cả. Con bé chẳng chọn bộ nào, đi thẳng vào nhà tắm, rồi nói: “Năm nay cả lớp con mặc pijama đến trường. Cô giáo bảo diện luôn đồ ngủ diễu hành vừa vui mắt vừa đỡ tốn tiền phục trang”.
LÂM VĂN (từ Bỉ)