
Hội nhập quốc tế (HNQT) về khoa học- công nghệ (KH-CN) đang trở thành một yếu tố không thể thiếu trong chính sách đối ngoại và chính sách phát triển KH-CN của mỗi nước. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, đề án “ HNQT về KH-CN” đang được Bộ KH-CN gấp rút xây dựng.
Tại hội thảo HNQT về KH-CN tổ chức tại TPHCM vừa qua, báo cáo đề dẫn của Bộ KH-CN phân tích rằng: chúng ta đang gặp những hạn chế – cũng là thách thức phải vượt qua- để có thể chủ động trong HNQT về KH-CN. Đó là: thể chế, chính sách chưa đồng bộ và phần lớn được ban hành trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay; đầu tư cho KH-CN hiện còn thấp, chỉ ở mức 2% tổng chi ngân sách (khoảng 0,6% GDP).

Lập trình phần mềm tại CT TMA – công ty hàng đầu về gia công xuất khẩu phần mềm của Việt Nam. Ảnh: V.D.
Hầu hết các doanh nghiệp nước ta chưa thực sự quan tâm đến đầu tư cho KH-CN. Các nhà khoa học nhìn chung có thu nhập thấp, chưa có nhiều ưu đãi. Nạn chảy máu chất xám còn phổ biến; các hoạt động vận động, thu hút đầu tư cho KH-CN còn hạn chế; cạnh tranh gay gắt đòi hỏi phải đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chưa có hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ chuyên trách về HNQT đủ mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tại TPHCM, SHTT là một trong ba trụ cột của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà Việt Nam đang hướng tới và nỗ lực gia nhập. Ngày 1-1-2000, Việt Nam đã xây dựng một chương trình hành động về SHTT, phù hợp với Hiệp định Trips (Hiệp định quốc tế về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT).
Trong chương trình này, vấn đề xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến SHTT được coi là nhiệm vụ hàng đầu, kế đó là công tác tăng cường năng lực của các cơ quan bảo đảm thực thi và nâng cao hiểu biết của cộng đồng về các vấn đề SHTT. Cho đến thời điểm này, những mục tiêu lớn nhất, quan trọng nhất của chương trình về cơ bản đều đã đạt được, và làm cho hệ thống SHTT của Việt Nam đang tiến những bước dài.
Theo bà Vân, để đạt tới một hệ thống SHTT đáp ứng những chuẩn mực quốc tế, chúng ta phải tiếp tục tiến hành các nhiệm vụ: tiếp tục đổi mới hệ thống quy phạm pháp luật về SHTT; đổi mới tổ chức, cơ chế và phương thức hoạt động xác lập, quản lý quyền sở hữu công nghiệp, đăng ký tác phẩm; tổ chức lại hệ thống thông tin SHTT; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho hoạt động SHTT và nâng cao trình độ hiểu biết của dân chúng về SHTT…
Một trong những giải pháp chủ yếu để duy trì và mở rộng thị trường, hội nhập kinh tế thế giới chính là nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Báo cáo của đại diện Cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng nêu rằng: Ngày nay, khi mà mà các hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật ngày càng được hạn chế và tiến tới tháo bỏ hoàn toàn, khi mà các hoạt động thương mại đang được mang tính toàn cầu thì những điều còn lại để các nhà xuất nhập khẩu “nói chuyện với nhau” chính là chất lượng và giá cả của sản phẩm- hàng hóa hay dịch vụ trao đổi.
Và để nâng cao chất lượng của nó, cần một biện pháp mang tính đòn bẩy là: tiêu chuẩn hóa đo lường, quản lý chất lượng và xúc tiến chất lượng. Lĩnh vực tiêu chuẩn hóa-đo lường và chất lượng đã và đang có sự chuyển dịch từ hoạt động quốc gia chuyển sang các hoạt động mang tính hợp tác quốc tế cao. Đây là một quá trình đầy khó khăn và thử thách hứa hẹn mang đến những lợi ích to lớn và Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế này.
Hội thảo còn có nhiều tham luận về các nội dung: “Vai trò của các tổ chức tư nhân trong HNQT về KH-CN”; “HNQT trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học”; “Phát huy vai trò của các chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài” … Theo ông Tạ Nguyên Ngọc- Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế, KH-CN Ủy ban người Việt ở nước ngoài: Trong hầu hết các lĩnh vực, kể cả các ngành mũi nhọn từ công nghệ điện tử, sinh học, vật liệu mới, tin học, cho đến hàng không vũ trụ, kỹ thuật truyền tin… đều có mặt người Việt Nam ở nước ngoài.
Với số lượng đông đảo, cư trú tại hầu khắp các nước có trình độ cao về KH-CN, kinh tế, được đào luyện trong môi trường phát triển, cạnh tranh và cập nhật thông tin, trí thức kiều bào là tiềm năng, vốn quý, nếu huy động tốt sẽ có thể giúp đất nước đi tắt, đón đầu, rút ngắn chặng đường công nghiêp hóa-hiện đại hóa, tránh được nhiều đầu tư lãng phí, lệch hướng. Vấn đề là chính sách, biện pháp huy động phải sao cho khoa học.
Chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Đình Tiến nêu rõ: HNQT về KH-CN của nước ta phải được phát triển với một chất lượng mới theo hướng chủ động hội nhập, khắc phục những hạn chế hiện nay về cơ chế, chính sách, thích ứng với nhu cầu của cơ chế thị trường và các định chế quốc tế, kết hợp giữa HNQT về KH-CN với hội nhập kinh tế, đảm bảo tính chủ động thông qua đẩy mạnh xây dựng năng lực nội sinh về KH-CN. Bộ KH-CN rất mong được nhận các ý kiến đóng góp để sớm hoàn thành đề án “HNQT về KH-CN”.
VĂN THANH