Hồi sinh thành phố sông nước

Mấy năm gần đây, TPHCM ngập nước, nhà chức trách tìm đủ mọi cách, ngập vẫn hoàn ngập, năm sau ngập sâu hơn năm trước. Dân cố cựu nói sao không sử dụng lại hệ thống thoát nước tự nhiên như trước, nhà chức trách nói không được vì kênh rạch bị lấp, lấn chiếm hết, mà làm thì tiền ở đâu ra.

Hồi sinh thành phố sông nước

1.

Cách nay gần 100 năm, Sài Gòn thực sự là thành phố sông nước. Ngày ấy diện tích chừng 50km2 (bằng 1/4 bây giờ), chằng chịt kênh rạch, ao hồ, với tổng chiều dài khoảng 1.200km. Có một thời, người Sài Gòn di chuyển trên những con kênh này, và các ghe len lỏi mang hàng hóa buôn bán đến tận nhà dân. Thời ấy, kênh rạch không chỉ là giao thông đường thủy, còn giúp Sài Gòn không bị ngập nước. 

Từ thời khởi thị cho đến trước 1985, Sài Gòn -TPHCM vẫn sử dụng phương thức thoát nước tự nhiên, không dùng đến bơm khủng, đê bao, cống ngăn triều, hay hồ nhân tạo điều tiết, nhưng hầu như không có tình trạng ngập sâu và rộng như bây giờ. Mỗi khi mưa xuống, triều lên chỉ ngập một lúc là rút rất nhanh do hệ thống hồ, ao chứa nước như Kỳ Hòa, Đầm Sen và hệ thống kênh rạch chằng chịt như mạng nhện tiêu thoát nước rất nhanh.

Nhìn lại lịch sử phát triển của thành phố này mới thấy do các nhân tố chủ quan và khách quan, trong đó chủ yếu do con người làm hỏng hệ sinh thái tự nhiên. Trước 1975, do chiến tranh bà con từ các tỉnh có chiến sự kéo về Sài Gòn rất đông, một phần trong số đó lấn chiếm kênh rạch làm nhà, tạo ra các khu ổ chuột, tình trạng này kéo dài mãi đến sau này. Từ sau 1990, TPHCM bắt đầu tiến hành cải tạo, chỉnh trang kênh rạch, trong đó phải kể đến dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bắt đầu từ năm 1993, đến 2013 thực hiện xong. Dự án có chi phí khoảng 10.000 tỷ đồng, di dời hơn 7.000 hộ dân, hồi sinh dòng kênh dài 9km. Dù vậy, hiện nay thành phố còn khoảng 22.000 hộ dân với gần 100.000 dân đang sống trên và ven 44 tuyến kênh  rạch tập trung ở các quận 6, 7, 8, 9, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh. 

2.

Liệu TPHCM có thể phục hồi lại thành phố sông nước? Câu trả lời là được nếu có quyết tâm và nhận thức đúng. Thành phố đã hồi sinh được một trong số các dòng kênh lớn và khá dài là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tại sao lại không thể tiếp tục khai thông các dòng kênh khác. Vấn đề quan trọng nhất là nhận thức việc khai thông các tuyến kênh là bài toán đa mục tiêu, không phải chỉ dọn sạch hai bên bờ kênh. Nó mang lại rất nhiều lợi ích. 

Thứ nhất, khai thông hệ thống kênh để thoát nước tự nhiên. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất giúp thành phố giảm ngập nước. Điều ai cũng dễ nhận thấy, nếu khai thông trở lại 5 hệ thống kênh trục gồm Nhiêu Lộc- Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hũ - Kênh Đôi - Kênh Tẻ, Bến Nghé, Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật, cùng các con rạch như Văn Thánh, Cầu Sơn - Cầu Bông, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Hân, Ông Tiêu, Miếu Nổi, Bùng Binh, thành phố này không còn ngập nặng như hiện tại. Thứ hai, thực hiện tái định cư cho người nghèo đang sống trên và dọc theo các con kênh có chỗ ở mới và các phương thức mưu sinh mới. Thứ ba, khả năng khôi phục lại giao thông thủy, hỗ trợ cho giao thông bộ đã quá tải. Nếu thực hiện tốt có thể thông tuyến đường thủy từ nội thành ra tận Vũng Tàu, Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai. 

Đưa các con kênh vào khai thác phục vụ du lịch. Đa phần thành phố trên thế giới đều thành công khi đưa sông lớn, sông nhỏ vào du lịch. Du khách ngồi trên các du thuyền ngắm cảnh quan hai bên bờ sông, nhất là vào ban đêm mang lại những điều kỳ thú. Sông Hoàng Phố (Thượng Hải), Chaophraya (Bangkok), sông Hán (Seoul), kênh đào Nyhavn ở Copenhagen (Đan Mạch)… đáng để chúng ta học tập.

3.

Với những lợi ích trên, việc tái định cư mới nghe có thể rất tốn kém, nhưng cái giá phải trả cho kết quả nhận được lớn hơn nhiều chi phí bỏ ra, nếu tính đúng, tính đủ về mọi phương diện. Hơn 30 năm qua, số tiền chi cho chống ngập cưỡng bức như nâng đường trục, tôn cốt nền, làm lại cầu, làm đê bao, xây cống ngăn triều, mua máy bơm khủng, làm hồ điều tiết… đã hơn 2 tỷ USD, nếu kể số tiền dân bỏ ra nâng nền nhà, làm lại nhà để chống ngập, nâng hẻm đua theo việc nâng đường trục, chi phí lớn không sao tả xiết… Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tìm kiếm được tài chính không cần lấy từ ngân sách. Đó là việc vẫn có thể khai thông 5 tuyến kênh chính và các rạch lớn bằng chính dự án này theo phương thức lấy dự án nuôi dự án, hay nói dân dã là “lấy mỡ rán mỡ”.  

Thay vì giải tỏa dọc tuyến kênh khoảng 25-30m như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nên mở rộng dải đất dọc 5 tuyến kênh này 150-200m. Toàn bộ dải đất này được quy hoạch lại theo kiểu quy hoạch “nén”, tức người dân trên mặt kênh và dọc hai bên kênh được đưa vào các chung cư cao tầng có chất lượng cấp theo phương thức tái định cư tại chỗ, đất dư ra sau khi làm chung cư dành cho giao thông công cộng, công viên cây xanh, vườn hoa, trường học, phần còn lại đưa vào đấu giá để làm trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ khác, kinh phí thu được từ bán, cho thuê đất này chỉ dùng cho dự án. Các cầu có độ tĩnh không thấp quá gần mặt kênh sẽ được thay bằng các cây cầu mới có độ tĩnh không cao 5m cho thuyền qua lại.  

Hãy hình dung 4 tuyến kênh hiện nay, dọc theo hai bên các tuyến kênh xanh là dải đô thị hiện đại, hoành tráng với nhà cao tầng, công viên xanh, hệ thống dịch vụ tiện ích hoàn thiện, đường giao thông rộng, không khí trong lành, thoáng mát; dưới kênh ghe thuyền qua lại chở khách và đầy ắp hàng hóa ngược xuôi. Người dân thành phố không còn phải kinh sợ mỗi khi mưa xuống, triều lên, vì những tuyến kênh rạch này giúp thoát nước nhanh ra biển. Khi đó TPHCM sẽ có diện mạo mới, trở lại với hình ảnh thành phố sông nước, nhưng ở tầm mức mới hiện đại, hoành tráng hơn. Từ những dòng kênh nước đen nay trong xanh trở lại, mang lại nhiều tiện ích cho người dân, tạo nên hình ảnh thành phố không chỉ kinh tế năng động mà sóng sánh lãng mạn.

Tin cùng chuyên mục