Sáng nay (9-4), HLV Alfred Riedl sẽ có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên còn đến 20 ngày nữa, ông Riedl mới dùng hết 70 ngày phép mà VFF đã “ban phát” cho nhà cầm quân người Áo để có thời gian chữa bệnh. Nhưng bây giờ, người ta đang băn khoăn, sự hồi sức của HLV Riedl có là điểm tựa, giúp vị thuyền trưởng Riedl tạo ra phép màu để làm quên đi hình ảnh khô cằn, bế tắc của đội tuyển Việt Nam trước khi ông về Áo ghép thận?

HLV Riedl sẽ tiếp tục cùng các HLV nội dẫn dắt đội tuyển Olympic vượt qua vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008. Ảnh: Quang Thắng
1. Không quá lời khi cho rằng Alfred Riedl gần như đã trở thành một người Việt thực thụ. Gần chục năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, nhà cầm quân người Áo tự nhận mảnh đất hình chữ S này là quê hương thứ hai. Lúc này, cái mầm sống đang nuôi dưỡng cơ thể ông Riedl trong quãng đời còn lại càng thêm đậm chất Việt khi vị thuyền trưởng nhận được quả thận từ một fan hâm mộ bóng đá Việt Nam.
Ông Riedl đã hồi sức. Bàn thắng quyết định mà vị thuyền trưởng người Áo sớm ghi được trong “trận đấu” với cuộc sống của chính mình. Ông Riedl chẳng cần hồi hộp, căng thẳng như lúc ngồi trên băng ghế huấn luyện và căng thẳng từng giây, từng phút, trước khi đợi đến phút đấu bù giờ mới biết đội nhà chiến thắng.
Sự hồi phục của HLV Riedl thật tuyệt diệu. Dư 20 ngày phép, nghĩa là ông Riedl đã xóa sổ nguy cơ lớn nhất đối với chiếc ghế HLV trưởng mà chính ông tự đặt ra trước ngày về nước tiến hành ca phẫu thuật: “Nếu không trả phép đúng hẹn, VFF có toàn quyền quyết định số phận chiếc ghế HLV trưởng”.
2. Có hai thái cực cảm xúc khi Riedl sớm có mặt trở lại. Thứ nhất, mừng cho người đã gắn bó, chia sẻ từng phút giây cảm xúc vui- buồn với bóng đá Việt Nam suốt chục năm qua chiến thắng tử thần. Thứ hai, tại sao “cái bẫy” 70 ngày phép không sập, bất chấp nó đã được tính toán, xem xét một cách tỉ mỉ, thậm chí còn năm lần, bảy lượt nhờ tư vấn của các chuyên gia y tế đầu ngành?
Phải nói thẳng và sòng phẳng với nhau rằng, rất nhiều người đã hy vọng ông Riedl dùng quá… 70 ngày phép. Tất nhiên, đấy chỉ là ý nghĩ về định lượng thời gian đơn thuần vì công việc, chứ chẳng ai muốn một người thân hoặc có thể coi là một người Việt Nam máu mủ như ông Riedl chịu khuất phục trước số phận.
Người ta đã mong cho ông Riedl trễ phép, vì cùng thời gian ông bận rộn chữa bệnh, một đội Olympic VN đã được hồi sinh dưới bàn tay của thầy nội Mai Đức Chung. Thẳng thắn ra, chính con người từng được ông Riedl tăm tia, chuẩn bị hoặc đã từng sử dụng, đã buộc người hâm mộ bóng đá Việt Nam phải nhìn lại bằng thái độ hoàn toàn khác.
Sơ đồ 4-5-1 mà thầy nội Mai Đức Chung áp dụng cho Olympic VN không mới, thậm chí là lỗi thời với bóng đá thế giới. Nhưng yếu tố quyết định khiến người ta đánh giá cao nhãn quan chiến thuật của ông Chung hơn cả vị thuyền trưởng Riedl mà vị HLV nội này đang thế vai chính là sự táo bạo, quyết đoán. Nó làm quên đi sự bế tắc và cứng nhắc trong việc sử dụng con người, chiến thuật của HLV Riedl tại sân chơi mà bóng đá nước nhà đã đặt biết bao nhiêu kỳ vọng: AFF Cup 2007.
3. Hai cuộc hồi sinh, một được chờ đợi và một không được đón nhận. Liệu hai thái cực ấy có thể dung hòa rồi tạo ra sự nảy nở thực thụ, làm quên đi nỗi đắng cay, thất vọng mà bóng đá VN đã từng chịu đựng?
Khó cho VFF trong lần quyết định mang tính sinh tồn này. Trong con mắt của VFF, thành tích dưới thời của HLV Riedl vẫn là chấp nhận được, dù sau này dưới sức ép của dư luận, VFF đã tính chuyện “gài bẫy” Riedl.
Ngược lại, cái mầm sống mà thầy nội Mai Đức Chung vừa tạo ra ở đội Olympic VN cũng cần được chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhất là khi 9 ngày nữa, cái hình hài vừa hồi sinh này bước vào trận đấu quyết định: tái đấu với Olympic Oman trên sân nhà. Ông Chung vẫn vinh danh thuyền trưởng Riedl và sẵn sàng trả ghế, nhưng nếu VFF đàm phán một cách sòng phẳng, có thể HLV nội mát tay lại đổi ý?
Sự trở lại của Riedl đặt VFF vào thế buộc phải lựa chọn một quân xúc xắc đỏ trong canh bạc quyết định sự hồi sinh bóng đá nước nhà. Vậy nên, VFF cần tỉnh táo và dũng cảm lựa chọn, thay vì đi đòn nước đôi rồi mất “cả chì lẫn chài”!
Gia Minh