Hội thảo “Đồng chí Nguyễn Thị Thập – cuộc đời và sự nghiệp”

MINH NGỌC
Hội thảo “Đồng chí Nguyễn Thị Thập – cuộc đời và sự nghiệp”

(SGGPO).- Nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thập (9-3-1996 và 9-3-2016), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) đầu tiên, ngày 9-3, tại tỉnh Tiền Giang, Trung ương Hội LHPNVN phối hợp với Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội thảo về “Đồng chí Nguyễn Thị Thập – cuộc đời và sự nghiệp”.

Hội thảo do đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN và đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang chủ trì. Tới dự hội thảo còn có đông đảo đại biểu đại diện cho các Bộ, ban ngành, đoàn thể của trung ương và các tỉnh thành, cùng nhiều nhà khoa học, cán bộ Hội LHPN các tỉnh thành, trong đó có Hội LHPNVN TPHCM.    

Quang cảnh hội thảo

Trước giờ khai mạc, các đại biểu đã đến Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang để dâng hương dân hoa và kính viếng các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, đồng thời tưởng nhớ công lao to lớn của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thập.

Đồng chí Nguyễn Thị Thập tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, sinh ngày 10-10-1908 tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, Tiền Giang (trước là tỉnh Mỹ Tho). Mới 20 tuổi, đồng chí đã giác ngộ cách mạng và tham gia tổ chức Nông hội ở quê nhà. Năm 1931, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, lấy bí danh là Mười Thập. Tháng 4-1935, đồng chí được bầu làm Xứ ủy Nam Kỳ. Năm 1945, đồng chí tham gia lãnh đạo giành chính quyền tại tỉnh Mỹ Tho về tay nhân dân. Năm 1946, đồng chí được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I của  Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng chí từng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa II đến Khóa VI. Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Nguyễn Thị Thập được phân công làm Bí thư Đảng Đoàn Phụ nữ Nam Bộ, Hội trưởng Hội Phụ nữ Nam Bộ. Sau khi tập kết ra miền Bắc, đồng chí được bầu là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1956-1974) và được  bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (1955-1980). Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xứng đáng là tấm gương tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam nói chung và của những người mẹ, người vợ kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang nói riêng.

Dù trải qua bao khó khăn gian khổ nhưng đồng chí vẫn luôn đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, kể cả khi chồng và hai con trai hy sinh cho Tổ quốc, đồng chí vẫn nén đau thương để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Thị Thập (1908- 1996) đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam; trở thành niềm tự hào, nguồn động lực to lớn cho các thế hệ cán bộ hội viên, phụ nữ Hội LHPNVN hôm nay. Với những đóng góp đặc biệt ấy, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã được Đảng, Nhà nước trao tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác…

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã tham gia đóng góp các tham luận và báo cáo khoa học rất sinh động ôn lại nhiều kỷ niệm giản dị, trong sáng của đồng chí Nguyễn Thị Thập, qua đó tôn vinh tài năng, đức độ đồng chí Nguyễn Thị Thập- một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Hội LHPNVN và các phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp phụ nữ và sự nghiệp giải phóng phụ nữ… Hội thảo còn làm sáng ngời thêm chân dung người đại biểu Quốc hội hết lòng vì nhân dân, người chiến sĩ cách mạng kiên trung đầu tiên của Nam Bộ được Đảng, Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý nhất là Huân chương Sao Vàng. Nhiều tham luận cũng đã tô thắm chân dung đầy xúc động của người Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thập đã vượt lên nỗi đau mất chồng, mất con để góp phần cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tấm gương ngời sáng của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thập đã hun đúc thêm lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam hôm nay.

Trao nhà tình thương giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn

Dịp này, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã trao 5 căn nhà tình thương (trị giá 20 triệu đồng/căn) để giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và 50 suất học bổng (trị giá 2 triệu đồng/suất) cho các em học sinh nghèo có điều kiện tiếp bước đến trường.

MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục