Chỉ một tháng trước, đường dây sản xuất, buôn bán sữa bột giả với số lượng cực lớn cũng bị triệt phá. Gần 600 loại sữa bột giả được tung ra thị trường mà không một lần bị phát hiện bất thường. Ngay lập tức, Cục ATTP bị dư luận gọi tên.
Văn bản ngày 15-4 của cục này cho rằng, Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, còn hậu kiểm, cấp phép là trách nhiệm của địa phương. Ở địa phương, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hòa Bình và Vĩnh Phúc chưa từng hậu kiểm doanh nghiệp, hoặc hậu kiểm cũng không có mẫu để kiểm nghiệm. Điều kỳ lạ này diễn ra suôn sẻ suốt 4 năm ròng!
Cứ thế, bằng một cách nào đó, sản phẩm của đường dây sữa giả và TPCN giả công khai vào bệnh viện, hệ thống nhà thuốc uy tín, rồi phải hoảng hốt thu hồi sau đó. Cơ quan điều tra đã và đang lột dần từng góc khuất trong sản xuất - kinh doanh, cấp phép và quản lý loại sản phẩm thu lời khủng này.
Thị trường Việt Nam có hàng ngàn loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Mỗi năm, số người sử dụng TPCN ngày càng tăng, chiếm 1/5 dân số, tốc độ tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm. Mảnh đất màu mỡ này được các doanh nghiệp “bẩn” triệt để lợi dụng, bất chấp việc TPCN kém chất lượng gây hại sức khỏe và đe dọa tính mạng con người. Khi đó, nếu công tác quản lý hiệu quả và thực chất, hàng trăm tấn TPCN giả, hàng trăm loại sữa giả sẽ không thể ngang nhiên len lỏi vào tận từng nhà người dân.
Là cơ quan tham mưu Bộ trưởng Bộ Y tế về quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về ATTP trên phạm vi cả nước, Cục ATTP, lý ra, phải là “người gác cửa”, chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn ăn uống của người dân. Sâu xa hơn, đó là bảo vệ sức khỏe của thế hệ tương lai, chất lượng giống nòi của hơn 100 triệu dân. Thực tế, những “người gác cửa” này đã làm gì?
Theo quy định, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đăng ký bản công bố sản phẩm tại Cục ATTP, trong khi nhà máy sản xuất TPCN phải được Cục ATTP thẩm định, cấp giấy chứng nhận GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt). Sản phẩm thuộc nhóm công bố hay tự công bố cũng phải được hậu kiểm. Đây là mấu chốt để đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.
Theo điều tra, 5 cán bộ của Cục ATTP đã nhận hối lộ, cấp 4 giấy chứng nhận GMP, 20 giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm trong đường dây TPCN giả. Cú bắt tay trong bóng tối của cán bộ Cục ATTP với doanh nghiệp “bẩn” đã làm sáng tỏ câu hỏi tại sao thị trường TPCN lại hỗn tạp như thời gian qua.
Cánh cửa bảo vệ ATTP cho 100 triệu người dân bị sập hoàn toàn khi “người gác cửa” bị những chiếc phong bì thao túng. Lòng tin của người dân bị xói mòn, xã hội bất ổn khi thực phẩm giả bủa vây một cách hợp pháp!
Đây là thời điểm cần một liều thuốc đắng để cải tổ hoàn toàn công tác quản lý ATTP trên phạm vi cả nước, từ cấp bộ, ngành đến địa phương. Chúng ta phải có những giải pháp triệt để, xử lý nghiêm những sai phạm, cố tình luồn lách khe hở của pháp luật, mua chuộc cán bộ để trục lợi.
Phải phát hiện và loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ biến chất, tiếp tay cho thực phẩm giả, xâm phạm lợi ích của nhân dân. Đó cũng là điều không thể chậm trễ để vun đắp lại lòng tin của người dân, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, thiết lập môi trường kinh doanh lành mạnh. Trên hết, đó là trách nhiệm với thế hệ tương lai.