Hội thi “Nhà nông đua tài” 2019 tại Kon Tum: Bừng sáng Đắk Hà

Sáng 15-1, vòng sơ tuyển cuối cùng của Hội thi “Nhà nông đua tài” tại 5 tỉnh Tây Nguyên năm  2019 do Công ty CP Phân bón Bình Điền, Hội Nông dân tỉnh Kon Tum và Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức đã diễn ra tại huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.

Hai đội xã Đắk Ngọc và Thị trấn Đắk Hà đã xuất sắc giành giải nhất và nhì để tham gia vòng chung kết Hội thi Nhà nông đua tài tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 vào ngày 11-3.

Theo bà Võ thị Bích Hường, Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Kon Tum, khi hội được tỉnh giao nhiệm vụ tổ chức hội thi vòng sơ tuyển, hội đã “nhắm” và chọn ngay huyện Đắk Hà vì đây có thể gọi là "thủ phủ" cà phê của tỉnh. Không được chuẩn bị trước nhưng thành viên các đội đều thể hiện rất rõ kiến thức kỹ thuật canh tác cà phê và phong trào nông dân góp phần xây dựng nông thôn mới, làm bừng lên không khí vui tươi, lành mạnh cho nông dân lúc nông nhàn.

Do vị trí địa lý đặc biệt, Kon Tum là vùng đất bằng, được dòng sông Đắk Bia uốn quanh, trải qua bao đời bồi đắp phù sa, trở nên màu mỡ. Trồng và chế biến cà phê là một nghề, đã có từ lâu và ngày càng phát triển. Cà phê Đắk Hà của Kon Tum là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc. Có lẽ vì vậy mà tỉnh Kon Tum đã chọn 2 đội nông dân trồng cà phê giỏi của huyện Đắk Hà, là thị trấn Đắk Hà và xã Đắk Ngọc tham gia tranh tài vòng sơ tuyển với đội nông dân thành phố Kon Tum.

Hội thi “Nhà nông đua tài” 2019 tại Kon Tum: Bừng sáng Đắk Hà ảnh 1 Các đội thi tại Kon Tum hào hứng tranh tài. Ảnh: PHÚC NGUYỄN
Kết quả đã đúng như mong đợi. Với vốn kiến thức kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất thường trực, trải qua các phần thi: trả lời câu hỏi về kỹ thuật canh tác cà phê, các tình huống, thách thức và trò chơi vận động không chỉ đòi hỏi sức mạnh, sự khéo léo mà còn cả sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, ăn ý của các thành viên…, cả 2 đội của huyện Đắk Hà đều thay nhau “ăn” điểm, bỏ xa đội đến từ thành phố Kom Tum, giành giải nhất và nhì.

Cứ qua mỗi câu hỏi, mỗi tình huống thử thách, hay trò chơi vận động, mẹt chữ may mắn lại được mở dần ra, thành viên của các đội chơi, khán giả nông dân và cổ động viên cho các đội đều tiếp thu thêm được những kiến thức bổ ích, như: Cơ sở lựa chọn phương thức thu hái cà phê? PH là một chỉ tiêu đánh giá yếu tố nào? Điều gì xảy ra với cây trồng khi ta bón thừa đạm? Bón phân NPK Đầu Trâu cho cà phê vào mùa khô, mùa mưa, hay NPK Đầu Trâu 16-16-8+6S+TE như thế nào để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất?... Cuối cùng, dãy mẹt chữ may mắn được mở ra với cụm từ: “Trồng cây che bóng”.

Hội thi “Nhà nông đua tài” 2019 tại Kon Tum: Bừng sáng Đắk Hà ảnh 2 Thí sinh trả lời tại phần thi kỹ thuật canh tác cà phê. Ảnh: PHÚC NGUYỄN
Thạc sĩ Phạm Anh Cường (Trưởng phòng Nghiên cứu & Phát triển sản phẩm Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền) tư vấn kỹ thuật của buổi thi đã làm rõ thêm: “Nắng và gió là đặc thù của vùng đất đại ngàn Tây Nguyên. Nắng rất nhiều, gió rất dữ, nhất là vào mùa khô. Nắng gió sẽ làm cho tốc độ bốc hơi nước trong đất, và cả trong cây trồng rất mạnh, lại nhất là với cây cà phê. Trồng cây che bóng giúp chắn gió, che bớt ánh nắng mặt trời, có tác dụng giảm bốc hơi nước trong đất và trong cây trồng, sẽ giảm được chu kỳ và lượng nước tưới, đạt được hiệu quả về kinh tế, lại tạo ra một tiểu khí hậu mát mẻ, tức giúp ích cho công cuộc xây dựng và bảo vệ môi trường. Đây chính là cái đích của canh tác thông minh và bền vững mà nền nông nghiệp nước nhà đang hướng tới”.

Tin cùng chuyên mục