Sáng 26-10, Bộ NN-PTNT tổ chức họp báo thông tin Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2020 nhằm tôn vinh, khơi dậy và khuyến khích các nghệ nhân phát huy ý tưởng sản phẩm sáng tạo, ứng dụng cao và đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế; góp phần vào việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ dự thi là những sản phẩm mây tre lá; gốm sứ; thêu ren, dệt; điêu khắc gỗ; sơn mài, khảm trai; kim khí; mỹ nghệ sừng; chạm khắc đá… đáp ứng được tiêu chí theo quy chế hội thi được ban hành.
Ban tổ chức tiếp nhận sản phẩm tham dự từ ngày 25 đến 30-10; thời gian chấm thi từ 1 đến 5-11. Các sản phẩm có ý tưởng mới, không sao chép; có tính thẩm mỹ cao, có công dụng rõ ràng, thuận tiện cho người sử dụng; thân thiện với môi trường... Dự kiến, hội thi sẽ diễn ra định kỳ hàng năm.
Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay, ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam có các tiềm năng lớn để phát triển với nguồn lao động dồi dào, đặc biệt là lực lượng lao động nông nhàn, người hết tuổi lao động, người làm từ các khu công nghiệp trở về và người khuyết tật ở nông thôn; xu thế tiêu dùng ngày càng nhiều hơn các sản phẩm thân thiện với môi trường, những mặt hàng có nguồn gốc làm từ nguyên liệu tự nhiên như mây, tre, cói, bèo… mà Việt Nam có lợi thế và điều kiện phát triển; cơ hội mở rộng thị trường, tăng trưởng xuất khẩu rất lớn khi gần đây các quốc gia nhập khẩu lớn trên thế giới.
Cùng với nhu cầu tăng lên ở các thị trường, việc giảm thuế từ các hiệp định thương mại tự do và các biện pháp tăng cường năng lực của các doanh nghiệp xuất khẩu, cải tiến mẫu mã thiết kế sản phẩm, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hợp chuẩn quốc tế… được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đạt trên 12%/năm, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 4 tỷ USD vào năm 2025.