
Lần đầu tiên tại Festival Huế, một chương trình nghệ thuật được thực hiện trên sân khấu chìm dưới mặt nước hồ Tịnh Tâm, một hồ đẹp nằm trong quần thể di tích cố đô Huế. Đây cũng là lần đầu tiên ba di sản văn hóa của nhân loại là ca trù, nhã nhạc cung đình Huế và quan họ sẽ cùng được biểu diễn trên sân khấu này mang tên “Hơi thở của nước”. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc điều hành Công ty Vẻ Đẹp Việt, đồng tác giả kịch bản chương trình “Hơi thở của nước”.
Mặt nước hồ Tịnh Tâm, nơi sẽ diễn ra chương trình “Hơi thở của nước” tại Festival Huế.
- PV: Ba loại hình nghệ thuật này đều đòi hỏi những không gian diễn xướng riêng biệt, việc đưa cùng lúc quan họ, ca trù và nhã nhạc cung đình Huế vào “Hơi thở nước” liệu có là quá “tham”?
Ông TRẦN NGỌC LINH: Chúng tôi biết đây là điều khó, chính vì vậy mà những người trao đổi ý tưởng và sáng tác kịch bản, cũng như xây dựng phương án dàn dựng, cần phải khéo léo sắp xếp cho sự hiện diện của những tác phẩm thuộc mỗi bộ môn cổ nhạc đó. “Hơi thở của nước” tạo ra một cốt truyện mở, diễn tiến theo những trạng thái cảm xúc của người con gái đẹp xứ Kinh Bắc được tiến cung.
Trên hành trình không gian và tâm tưởng đó, những câu hát, tiếng đàn vang lên, lần lượt và có nguyên cớ nội tại của nó, chứ không cùng lúc, cũng như không biến chương trình thành cuộc biểu diễn của một đoàn ca múa nhạc. Nói một cách cô đọng hơn, cốt truyện tạo ra không gian cho câu hát, và những câu hát đẩy câu chuyện đi tiếp các chặng của nó.
- Từ ý tưởng nào mà ông đưa ra quyết định việc xây dựng sân khấu nằm chìm dưới mặt nước.
Sân khấu nổi trên mặt nước cũng đã xuất hiện nhiều, nhưng nếu sân khấu chìm hẳn dưới nước một chút sẽ tạo được cảm giác phiêu diêu, thoát được sự bó buộc cứng nhắc của một sàn diễn. Diễn viên đi lại trên đó sẽ như đang đi trên mặt nước, cùng những hiệu ứng trực tiếp của hệ thống ánh sáng và cộng hưởng của âm thanh, câu chuyện về hơi thở của nước sẽ trở nên lung linh, huyền bí hơn.
- Việc xây dựng một sân khấu nằm chìm dưới mặt nước dường như là việc chưa từng có ở Việt Nam. Ông có cảm thấy lo ngại điều này có ảnh hưởng tới việc thể hiện của nghệ sĩ, diễn viên?
Đây là thách thức không nhỏ của chương trình, chúng tôi đã phải tự phản biện rất nhiều chứ không phải là bảo vệ ý tưởng của mình trước những câu hỏi bên ngoài. Êkíp dàn dựng đều chia sẻ với nhau về tác dụng cũng như những cản trở của mặt nước, vì thế mỗi sáng tạo, nhất là kỹ thuật, vũ điệu của diễn viên, đều phải đặt vào môi trường này.
Về mặt kỹ thuật sân khấu, đơn vị xây dựng sẽ tạo ra mặt sàn có độ nhám cao để hạn chế độ trơn trượt nhằm đảm bảo an toàn cho diễn viên. Tất nhiên, không loại trừ biện pháp thủ công, sẽ phải kỳ cọ mặt sàn liên tục để không bị trơn, ngay cả trước khi biểu diễn. Và các đạo diễn cũng như diễn viên đang ra sức tập luyện các động tác phù hợp với điều kiện biểu diễn này.
Hoàng Lan thực hiện
Toàn bộ không gian mặt nước hồ Tịnh Tâm, đảo Bồng Lai trên hồ, cầu Hồng Cừ dẫn vào đảo Bồng Lai và khu vực lân cận, với tổng diện tích lên tới 4,5ha sẽ được tận dụng làm sân khấu. Đặc biệt, nhằm tạo hiệu ứng tốt về âm thanh, ánh sáng, sân khấu chính của “Đồng vọng sông Ngân” được thiết kế ngập dưới nước khoảng 3cm với diện tích 8.000m². “Hơi thở của nước” sẽ diễn ra trong 3 đêm 6, 9 - 11-6-2010 và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam. |