Hội trường Thống Nhất không chỉ là nơi gắn với sự kiện lịch sử của nước nhà vào sáng 30-4-1975 mà khuôn viên này cũng gắn bó với những sự kiện quan trọng của Báo Sài Gòn Giải Phóng nhiều năm qua. Cũng ở phòng Khánh tiết của Hội trường Thống Nhất ngày 5-5- 2005, nhân 30 năm ngày Báo Sài Gòn Giải Phóng ra số báo đầu tiên, chúng tôi đã được tham dự lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất. Và hôm nay, sau 35 năm phấn đấu không ngừng, tập thể Báo Sài Gòn Giải Phóng đã vinh dự được nhận Huân chương Độc lập hạng ba, đánh dấu sự trưởng thành của tờ báo Đảng.
1. Khoảng sân rộng mênh mông của khu di tích Dinh Độc Lập hôm nay thật đông khách. Khách đến đây hôm nay không chỉ là khách tham quan mà trong số ấy có rất đông những người đã từng và đang làm báo Sài Gòn Giải Phóng.
Những người làm báo Sài Gòn Giải Phóng và khách quý, đồng nghiệp của họ họp mặt ở đây để cùng ôn lại những kỷ niệm thời bao cấp, gian khó ngày xưa và cùng nhau mừng cho sự trưởng thành của tờ báo có tên “Sài Gòn Giải Phóng”.
Nhớ ngày ấy, khi mới tiếp quản Đài Truyền hình Sài Gòn có tên gọi là Đài vô tuyến truyền hình Sài Gòn giải phóng, sau này đổi tên lại là Đài Truyền hình TPHCM. Khi ấy, nhiều người cho rằng Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng nên đổi tên khác vì nhiệm vụ lịch sử của tên gọi ấy đã xong rồi; báo nên đổi tên mới cho nhẹ nhàng phù hợp với thời điểm mới. Nhiều tên mới để thay cho tên gọi Sài Gòn Giải Phóng được nghĩ đến và đem ra bàn cãi ở trong và ngoài báo. Bỏ qua tất cả những ý kiến trái chiều, Ban biên tập ngày ấy đã không ngần ngại giữ lại tên Sài Gòn Giải Phóng trên măng sét báo như một sự trân trọng đối với tấm lòng của đồng bào, chiến sĩ cả nước đã sát cánh cùng chiến đấu vì nền độc lập nước nhà trong những năm tháng chiến tranh xưa.
Giữ lại tên Báo Sài Gòn Giải Phóng trong xu thế mới, hội nhập toàn diện của Ban biên tập khi ấy đã khẳng định “chúng ta sẵn lòng gác lại quá khứ để đi tới chứ không bỏ quên quá khứ hào hùng” để mỗi ngày, những người trẻ tuổi hôm nay khi cầm trên tay tờ báo Sài Gòn Giải Phóng sẽ lại nghĩ đến đất Sài Gòn - Gia Định, mảnh đất kiên cường bất khuất.
Hôm nay, 35 năm sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, tên gọi Báo Sài Gòn Giải Phóng đã là tên gọi quá đỗi thân quen, là một phần đời của hàng trăm con người gắn bó với những trang báo, những người từng dầm mưa dãi nắng để mang “Sài Gòn Giải Phóng” đến với bạn đọc khắp nơi từ lúc đèn đường chưa tắt…
Trong phòng Khánh tiết của Dinh Thống Nhất hôm nay, những nhà báo từng làm nên tên tuổi của Sài Gòn Giải Phóng một thời như anh Hải Nam, anh Võ Hàn Lam, phóng viên ảnh chiến trường Minh Trường... đã có mặt, để cùng nói, cười với những câu chuyện không đầu, không đuôi về những ngày xưa, ngày nay…
Những loạt bài về cuộc truy bắt nhóm phản động hải ngoại Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh và chuyên án CM 12 của nhà báo Hải Nam, đã trở thành những bài viết kinh điển cho những phóng viên viết nội chính sau này. Những bài bình luận kinh tế sắc sảo của nhà báo Võ Hàn Lam cũng đã trở thành bài học gối đầu cho biết bao phóng viên viết kinh tế “hậu bối”. Cô Nguyễn Thị Vân (Bảy Vân), nguyên Phó Tổng biên tập, là người đã chăm lo cho cuộc sống của hàng trăm cán bộ, phóng viên thời bao cấp.
Trong tiếng quân nhạc hào hùng, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đã thay mặt cho Chủ tịch nước gắn trên lá cờ đỏ thắm Huân chương Độc lập hạng ba cho Báo Sài Gòn Giải Phóng. Những cán bộ đã gắn bó một phần đời mình với tờ báo Sài Gòn Giải Phóng từ những năm tháng khó khăn như cô Nguyễn Thị Vân, anh Cao Xuân Phách, anh Phan Hồng Chiến, anh Lê Minh Giám… hôm nay đều có mặt ở đây, trong căn phòng Khánh tiết của Hội trường Thống Nhất với rất nhiều cảm xúc.
2. Giọng chị Ngô Ngọc Ngũ Long nói bên tôi: “Em, nhớ hồi “nẳm” báo mình cũng nhận Huân chương Lao động ở đây không?... Nhớ anh Tuất Việt ghê”, “Nhớ thiệt, cũng giống in vầy chị heng”, tôi nói khi trên bục cao, Tổng biên tập Trần Thế Tuyển đang nói lời cảm ơn. Trong lấp lánh đèn, hoa, trong giọng nói cảm ơn sao nghe cũng ngọt ngào như âm thanh 14 năm trước chúng tôi đã nghe ở đây. Cũng khung cảnh này, cũng âm nhạc này và cũng trong tiếng vỗ tay của chúng tôi, Chủ tịch UBND TPHCM Trương Tấn Sang khi ấy đã trao cho Tổng Biên tập Vũ Tuất Việt tấm Huân chương Lao động tặng thưởng cho tập thể Báo SGGP.
Tôi đi loanh quanh ngoài hành lang khu dinh thự nổi tiếng này và nhớ đến hai người bạn rất dễ thương năm xưa cũng từng đứng đây với tôi ngày Báo Sài Gòn Giải Phóng tròn 30 tuổi để bàn về kiến trúc dinh này – anh Võ Hồng Sơn, Phó tổng biên tập và anh Quốc Kế, Trưởng ban Tuần san.
Anh Quốc Kế, chỉ về căn phòng Trình quốc thư bên phải dãy hành lang giải thích về thiết kế dinh bằng những từ Hán, như một ông đồ Nho.
Tôi còn nhớ, anh Kế huơ tay trên không trung như viết thư pháp và nói: Dinh làm thành hình chữ CÁT, có nghĩa là tốt lành, may mắn; tâm của dinh là vị trí phòng Trình quốc thư. Lầu thượng có tên gọi là Tứ phương vô sự lầu được xây theo hình chữ KHẨU để đề cao giáo dục và tự do ngôn luận. Trong chữ KHẨU có cột cờ chính giữa như một nét sổ dọc tạo thành hình chữ TRUNG, nhắc nhở muốn có dân chủ thì phải trung kiên. Mặt trước của dinh thự toàn bộ bao lơn lầu 2 và lầu 3 kết hợp với mái hiên lối vào chính cùng 2 cột bọc gỗ phía dưới mái hiên tạo thành hình chữ HƯNG, ý cầu chúc cho nước nhà được hưng thịnh mãi… Đang đứng thơ thẩn để nhớ chuyện xưa, giám đốc khu Hội trường Thống Nhất Ngọc Diệp đi ngang cười với tôi và hỏi thăm rất thân thiết.
Từ rất lâu rồi, những người làm Báo Sài Gòn Giải Phóng với những người quản lý khu Hội trường Thống Nhất này rất thân nhau. Tôi cũng chẳng hiểu sự thân thiết ấy bắt nguồn từ đâu, nhưng chỉ nhớ, ngày xưa, khi tôi được cử đi viết bài về Hội trường Thống Nhất đã gặp chị Hằng, một thuyết minh từ Bắc vào có giọng nói rất truyền cảm và anh Hùy, phụ trách khu Hội trường Thống Nhất này, rồi từ đó gắn bó với nhau trong nhiều sự kiện khác. Anh Thái Hiền Lương, Cục trưởng Cục Hành chính quản trị 2 của Văn phòng Chính phủ, đơn vị quản lý khu hội trường này là một người thâm nho và từng giúp đỡ, gắn bó với rất nhiều người trong Báo Sài Gòn Giải Phóng từ hơn 20 năm qua.
Có lẽ đó là lý do vì sao những sự kiện đặc biệt quan trọng của Báo Sài Gòn Giải Phóng hay gắn với Hội trường Thống Nhất. Giám đốc Hội trường Thống Nhất hiện nay là Trần Thị Ngọc Diệp, một cô gái nhỏ nhẹ, dễ thương và giọng thuyết minh Nam bộ ngọt ngào của Diệp ngày xưa đã để lại ấn tượng thật đẹp trong tôi. Giám đốc Ngọc Diệp kể với tôi về hành trình đi tìm và quy tập lại những món đồ dùng ngày xưa trong dinh thự này của các chị … Tiếng nhạc hùng tráng trong phòng Khánh tiết lại kéo tôi về với nỗi nhớ ngày xưa - ở nơi này, năm 1996, những người làm báo Sài Gòn Giải Phóng cảm thấy hạnh phúc vì công sức của mình đã được công nhận
THÚY THÚY