Hôm nay, 6-8, Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ bắt đầu thi đấu cùng lúc tới 5 môn tại đấu trường Olympic 2016. Nếu có thêm chút suôn sẻ, có thể cử tạ nữ và bắn súng tạo được ấn tượng không hề nhỏ...
Có lập được đại công?
Phó Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 2 (Tổng cục TDTT), phụ trách trực tiếp môn cử tạ, ông Đỗ Đình Kháng rất kiệm lời và ít phát biểu về Vương Thị Huyền. Ông Kháng đã nhận định, chúng ta không vội lấy kết quả của Giải VĐTG 2015 (lúc đó Huyền đạt tổng cử 194kg hạng 48kg nữ và giành HCB) để nói về kết quả của Huyền tại Olympic 2016. Nói một cách cụ thể, sau 1 năm, tất cả các quốc gia có VĐV dự hạng 48kg nữ đều chuẩn bị rất tốt và có giấu bài riêng. Huyền cũng được giấu bài khá kỹ và gần như không xuất hiện trước báo giới để nói về chỉ số chuyên môn của mình. Hạng 48kg nữ tại Olympic 2016 có 12 lực sỹ tham dự.
Niềm hy vọng Vương Thị Huyền bước vào cuộc đua. Ảnh: T.L.
Trong đăng ký sơ bộ ban đầu, Huyền được Ban huấn luyện đăng ký mức tổng cử 190kg. Trên cô là những đối thủ như Agustiani (Indonesia, 203kg), Tanasan (Thái Lan, 200kg), Piron Candelarion (CH Domenica, 195kg), Miyake (Nhật Bản, 193kg), Yelisseyeva (Kazakhstan, 191kg). Bất ngờ lớn nhất là Wang Mingjuan (Trung Quốc) – nhà vô địch Olympic 2012 của hạng cân với kết quả tổng cử 205kg – không dự Olympic 2016 nội dung trên. Vì thế, các lực sỹ (trong đó có Huyền) được lợi thế ngang bằng nhau. Người duy nhất còn sót lại trong tốp 3 VĐV đoạt huy chương hạng 48kg nữ tại Olympic 2012 tính tới lúc này là Miyake (Nhật Bản).
Trong những đối thủ mà Huyền phải dè chừng có Tanasan (Thái Lan). Lực sỹ này đã được thể thao Thái Lan cất giữ rất kín trong năm 2016 và cử tạ quốc gia này đặt mục tiêu giành HCV cho cô. Vấn đề chính nhất của Huyền là tâm lý khi thi đấu. Vượt qua được sự hồi hộp, Huyền triển vọng vào tốp 3 tại Olympic 2016. Ngoài ra, Huyền lại yếu ở cử đẩy nên cô sẽ phải tận dụng tối đa khả năng cử giật thì mới có triển vọng vượt trên 190kg tổng cử. Tất cả cùng chờ đợi Huyền đạt được một kết quả khả quan.
Nội dung 10m súng ngắn hơi nam là nội dung sở trường của cả Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường. Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa xạ thủ của chúng ta hơn hẳn 44 người còn lại tại Olympic 2016 (tổng cộng nội dung này có 46 xạ thủ). Mục tiêu HLV Nguyễn Thị Nhung đặt ra đầu tiên là Cường và Vinh phải lọt vào 8 xạ thủ thi đấu chung kết rồi tính tiếp. Cuộc đấu vòng loại không dễ dàng vì nhiều đối thủ mạnh của thế giới trong nội dung là Wu Felipe Almeida (Brazil), Omelchuck (Ucraina), Rai Jitu (Ấn Độ), Jin Jongho (Hàn Quốc), Pang Wei (Trung Quốc), Carrera (Tây Ban Nha)... đều có mặt.
Đây là nội dung mà xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đặt mục tiêu giành huy chương. Đương kim vô địch Olympic 2012 là Jin Jongho và đây cũng là ứng viên vô địch của nội dung. Cách đây 4 năm, Hoàng Xuân Vinh chỉ xếp hạng 9 nội dung. Tuy nhiên, sau 4 năm, cả Xuân Vinh và Quốc Cường đã tiến bộ hơn rất nhiều cũng như Xuân Vinh tự tin với nhiều lần chiến thắng tại giải thuộc ISSF World Cup. Chúng ta có quyền hy vọng họ sẽ thành công.
“Tiểu tiên cá” xuất trận
Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội) khai màn Olympic 2016 trong cự ly sở trường 400m hỗn hợp cá nhân. Trên lý thuyết, Ánh Viên chưa phải tuyển thủ mạnh nhất châu Á của cự ly này. Dù vậy, quãng thời gian tập tại Mỹ giúp cô cải thiện nhiều ở nội dung này. Ánh Viên dự vòng loại vào buổi chiều và nếu vượt qua, cô sẽ có cơ hội thi đấu cùng tốp 8 tại chung kết trong tối cùng ngày. Mục tiêu của Ánh Viên là lọt vào tốp 8 cự ly 400m hỗn hợp cá nhân tại Olympic 2016.
Văn Ngọc Tú cũng bước vào đấu hạng 48kg nữ. Năm 2012, Tú chỉ đứng trên sân đấu chưa đầy 5 phút do bị loại sớm từ vòng 1. Mục tiêu của Văn Ngọc Tú là giành chiến thắng đầu tiên cho judo Việt Nam tại Olympic. Phạm Phước Hưng thi đấu bài xà kép trong buổi chiều và chỉ hy vọng sẽ nằm trong tốp 30 VĐV đạt kết quả tốt nhất. Người cuối cùng của thể thao Việt Nam thi đấu ngày 6-8 là Nguyễn Thị Như Hoa (kiếm 3 cạnh nữ). Như Hoa xác định một chiến thắng đầu tay đã là quá tốt cho đấu kiếm nữ Việt Nam.
MINH CHIẾN