Hơn 2 năm thực hiện luân phiên bác sĩ về cơ sở - Chưa thỏa mãn mong đợi

Có chuyển biến
Hơn 2 năm thực hiện luân phiên bác sĩ về cơ sở - Chưa thỏa mãn mong đợi

Qua hơn 2 năm triển khai, đề án cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới (gọi tắt Đề án 1816) đã phần nào nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Đó là ghi nhận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết thực hiện Đề án 1816 giai đoạn 2008-2010 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sáng 30-5.

Có chuyển biến

Một số kết quả đạt được từ Đề án 1816

* Đã có 72 bệnh viện cử cán bộ đi luân phiên với 3.665 lượt.

* Chuyển giao 2.504 kỹ thuật thuộc 26 chuyên ngành.

* Cán bộ đi luân phiên tổ chức 1.453 lớp tập huấn.

* Khám và điều trị trực tiếp cho 802.486 lượt người bệnh, phẫu thuật 11.697 ca, cứu sống nhiều trường hợp bệnh hiểm nghèo, giảm chuyển viện lên tuyến trên khoảng 30%.

Là một huyện biên giới nghèo vừa mới thành lập (năm 2003), hệ thống cơ sở y tế huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) rất sơ sài. Khi đau ốm, người dân phải băng rừng, lội suối cả trăm kilômét lên tỉnh. Tuy nhiên, khi Đề án 1816 được triển khai, Bệnh viện C Đà Nẵng đã về tận Trung tâm Y tế huyện Tây Giang để chỉ dẫn cho cán bộ y bác sĩ nơi đây cách cứu người. Bệnh viện C Đà Nẵng còn hỗ trợ cho trang thiết bị, xe cấp cứu.

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam cũng cử một đội ngũ cán bộ bác sĩ luân phiên xuống Trung tâm Y tế huyện Tây Giang để đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật mổ đẻ, mổ u nang buồng trứng, mổ ruột thừa, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình… Nhờ Đề án 1816 mà phần đông bà con huyện Tây Giang không còn mất công, mất của để đi xa chữa bệnh, không còn sợ “con ma rừng, ma suối” bắt nữa.

Không chỉ có Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, trong 2 năm triển khai Đề án 1816, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã cử 6 đợt cán bộ xuống các đơn vị tuyến dưới tham gia phẫu thuật ngoại sản, hỗ trợ trang thiết bị cho Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn. Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cũng tiếp nhận 31 lượt cán bộ từ Bệnh viện Trung ương Huế đến để chuyển giao hàng chục kỹ thuật như cắt dạ dày nội soi, cắt đại trực tràng nội soi, phẫu thuật cắt gan, cắt u phổi…

Là địa phương thuộc vùng cao, vùng xa, tỉnh Yên Bái cũng gặp khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. TS Đào Ngọc Lan, Giám đốc Sở Y tế Yên Bái cho biết, tỉnh có 17 bệnh viện đang hoạt động nhưng cán bộ y bác sĩ rất thiếu, bình quân 7,2 bác sĩ/10.000 dân. Hai năm qua, Đề án 1816 đã giúp ngành y tế Yên Bái có những cải thiện đáng kể. Yên Bái đã tiếp nhận 76 lượt cán bộ bác sĩ của 7 bệnh viện trung ương về chuyển giao 181 kỹ thuật; trực tiếp phẫu thuật 1.155 bệnh nhân; khám và điều trị 5.616 bệnh nhân; tổ chức 64 lớp tập huấn cho 1.266 lượt cán bộ y bác sĩ của tỉnh. “Lâu nay, các kỹ thuật mổ sọ não, phaco, tỉnh không làm được nhưng sau khi được chuyển giao kỹ thuật, tỉnh đã tự thực hiện được. Cơ bản đã giảm được hơn 20% bệnh nhân chuyển viện”, TS Lan cho biết.

Nhiều hạn chế

Bác sĩ BV Chợ Rẫy TPHCM luân phiên chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi cho BV tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Tg. LÂM
Bác sĩ BV Chợ Rẫy TPHCM luân phiên chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi cho BV tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Tg. LÂM

Dù góp phần nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân tuyến dưới, nhưng Đề án 1816 vẫn phần nào chưa thỏa mãn mong đợi. TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, một số bệnh viện tuyến tỉnh thiếu trang thiết bị, trình độ y bác sĩ không đồng bộ, đặc biệt thiếu các labo xét nghiệm nên gây hạn chế trong việc chuyển giao kỹ thuật.

PGS-TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết: “Chúng tôi đã chuyển giao được hàng trăm kỹ thuật thuộc 14 lĩnh vực chuyên khoa, trong đó có 7 lĩnh vực chuyên khoa ngoại. Nhưng không phải về cơ sở y tế nào cũng chuyển giao được ngay. Vấn đề ở chỗ nhiều bệnh viện tuyến dưới không đủ thiết bị, chuyên môn và cũng không biết cần tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật gì. Do đó, cần có sự khảo sát kỹ nhu cầu của bệnh viện tuyến dưới và chính quyền địa phương phải hỗ trợ tốt hơn thì mới chuyển giao được”.

TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế cũng cho rằng, một số bệnh viện chưa làm tốt khâu khảo sát nhu cầu nên bị động, cử cán bộ đi luân phiên chưa sát với nhu cầu thực tế của nơi nhận. Một số bệnh viện nhận cán bộ đến luân phiên chưa sẵn sàng đội ngũ thầy thuốc có trình độ để phối hợp công tác, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và kỹ thuật. Cá biệt có trường hợp thể hiện sự thiếu hợp tác, ỷ lại cán bộ đến luân phiên và chưa chủ động học hỏi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh, Đề án 1816 thực sự có ý nghĩa, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, nhất là các địa phương vùng sâu, vùng xa. Ông yêu cầu các địa phương, bệnh viện có kế hoạch cụ thể hàng năm, hàng quý để luân phiên cán bộ, chuyển giao kỹ thuật, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho cán bộ đi luân phiên. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu phải xác định rõ mục tiêu, yêu cầu của Đề án 1816 trong giai đoạn tới. Các bệnh viện tuyến dưới phải xác định kỹ thuật, mục tiêu chuyển giao cụ thể, bệnh viện tuyến trên phải khảo sát thực tế để hai bên hợp đồng ăn ý hơn.

TƯỜNG LÂM – NGỌC HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục