Trong lần đầu tiên về công tác tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ (cách trung tâm TPHCM khoảng 60km), chúng tôi rất vinh dự được trò chuyện cùng ông Bùi Văn Oanh, bưu tá của xã - một người đã có hơn 30 năm làm người đưa thông tin về cho người dân xã đảo, trong đó có tờ báo của Đảng bộ thành phố.
Ông Oanh đang đi phát Báo SGGP
Năm nay đã xấp xỉ 60 tuổi nhưng nhìn ông Oanh vẫn còn rắn rỏi với nước da sạm nắng đỏ au của người dân miền biển và ánh mắt hiền lành, thân thiện. Nhà ông ở ấp Thạnh Hòa. Dịp 30-4 năm nay, người dân ấp Thiềng Liềng đang “vui như tết” vì điện lưới quốc gia đã về đến ấp. Và niềm vui của người dân ấp Thiềng Liềng cũng là y như niềm vui của ông cùng người dân các ấp ở khu trung tâm xã Thạnh An cách đây đúng một năm. Không còn cảnh phải dùng đèn pin khi đi lại vào ban đêm và không lo “đường trơn trượt té nhào do không có điện”, con ông Oanh đã không phải thắp đèn dầu để học bài. Cuộc sống của người dân xã đảo giờ đây phải nói là đã sang trang mới, mà theo cách nói dân dã là “giờ ngon rồi”... Là người sinh ra tại xã đảo này nên hơn ai hết ông thấu hiểu được niềm hạnh phúc của người dân quê mình. Với riêng ông, đó còn là hạnh phúc của một chiến sĩ trên mặt trận thông tin.
Là bưu tá, đã nhiều năm nay, cứ 6 giờ mỗi ngày, ông đi tàu (đò khách) qua thị trấn Cần Thạnh, đến bưu điện nhận thư và báo, sau đó nhanh chóng cho vào túi rồi trở ra bến đáp chuyến tàu khách trở lại đảo. Từ khoảng 10 giờ, báo được ông soạn ra và những tờ báo nóng hổi hơi người, đầy ắp thông tin thời sự đã theo chân ông đến với từng tổ dân cư (trừ ấp Thiềng Liềng nằm cách biệt trung tâm xã nên chỉ gửi báo cho Trưởng ấp), rồi từ đó lan tỏa đến người dân trong xã. Người dân xã đảo đã quá quen với hình ảnh một người đàn ông dáng cao lớn, cần mẫn đạp xe rong ruổi khắp các tổ trong xã để làm nhiệm vụ đưa thư, báo giúp cho xã đảo như được gần hơn với đất liền, với hơi thở của thành phố phương Nam và cả nước. Thường công việc đưa thư, báo kết thúc lúc 11 giờ 30, khi cái nắng nóng đã bao trùm khắp xã đảo và khi mọi gia đình đã xong bữa cơm trưa. Cũng có hôm báo về trễ hơn thì “tôi cũng soạn đi luôn, khoảng gần 13 giờ mới xong việc”.
So với cách đây 6 - 7 năm, đường đi lối lại trong xã đã khang trang hơn nhiều, với đường bê tông xi măng tỏa đi các ấp. Đường Rừng Sác cũng được thành phố nâng cấp trải nhựa, không còn cảnh lầy lội mỗi khi mùa mưa đến, nên báo về sớm hơn và ông đỡ cảnh chờ đợi lâu ở Bưu điện Cần Thạnh.
Với thâm niên hơn 30 năm làm việc, lương bưu tá của ông cũng chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng (không tính tiền đi đò) nên cuộc sống cũng khá chật vật nhưng ông cũng vẫn “bươn chải để lo cho con cái ăn học”. Ông có 3 người con, một gái 2 trai thì cả ba đều có việc làm ổn định.
Với ông Oanh, hạnh phúc rất bình dị. Đó là mỗi ngày được đạp xe đưa thư báo - công văn giấy tờ, tổng cộng hiện có khoảng 100 tờ báo các loại mỗi ngày, trong đó nhiều nhất là chuyển phát Báo Sài Gòn Giải Phóng đến với người dân các tổ, ấp. Ông kể, có những hôm trời nắng gắt, báo về trễ, đến 12 giờ mới phát tới nhà, nhưng khi nhìn thấy cảnh người đọc “ngồi chờ tờ báo SGGP, coi báo say sưa luôn” là ông thấy vui, tự nhiên cái mệt nhọc tan biến. Giờ đây, khi mà người ta ít viết thư tay gửi cho nhau, chủ yếu dùng điện thoại di động để liên lạc, thì những tờ báo đã trở thành niềm vui lao động của ông mỗi ngày.
Và dịp kỷ niệm ngày tờ báo của Đảng bộ TPHCM ra số báo đầu tiên là dịp để những người làm Báo SGGP xin được tri ân những người “đưa đò” như ông Oanh. Chính sự cần mẫn của ông trong hơn 30 năm qua đã là hình ảnh quen thuộc mang đến sự bình an, là chiếc cầu nối thông tin để những tờ báo in - kết tinh trí tuệ của những người làm báo cả nước, trong đó có Báo SGGP, đến được với người dân xã đảo trong ngày.
Chia tay Thạnh An, hình ảnh thân thương của người bưu tá già bên chiếc xe đạp vẫn luôn đọng lại trong chúng tôi như là một phần của xã đảo hiền hòa, mến khách…
VĂN PHONG