* TPHCM: Trên 3,8 tỷ đồng phòng chống mù lòa cho trẻ em
(SGGP). – Ngày 1-11, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, cả nước hiện có trên 300.000 người mù do bệnh về giác mạc, trong đó có khoảng 150.000 người mù cả 2 mắt, đang mong chờ được ghép giác mạc để có ánh sáng, nhưng nguồn giác mạc còn quá ít.
Trước thực trạng trên, chiến dịch “Truyền thông vận động đăng ký hiến tặng giác mạc ở Việt Nam” đã được triển khai thí điểm tại 10 tỉnh thành và đến nay đã có hơn 30.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.
Ngoài ra, với sự hỗ trợ của tổ chức ORBIS, các hoạt động chăm sóc và phục hồi thị lực cho người dân đang được đẩy mạnh. Từ năm 2004 tới nay, ORBIS là nhà cung cấp giác mạc lớn nhất cho Việt Nam, với khoảng 100 giác mạc mỗi năm, phục vụ công tác cấy ghép, phục hồi thị lực cho các bệnh nhân bị mù.
* Ngày 1-11, tại Bệnh viện Mắt TPHCM, nhiều cơ sở y tế, giáo dục trên địa bàn đã tham dự hội nghị triển khai dự án “Phòng chống mù lòa trẻ em khu vực thành thị TPHCM”.
Theo quyết định của UBND TP, nhằm giảm thiểu tối đa tỷ lệ mù có khả năng phòng tránh được và tổn thương thị lực ở trẻ em, các đơn vị y tế, giáo dục triển khai dự án phòng chống mù lòa trẻ em đến tháng 12-2011 với nguồn kinh phí trên 3,8 tỷ đồng, trong đó Tổ chức Fred Hollos Foundation (Úc) tài trợ trên 3,2 tỷ đồng.
Theo đó, sẽ thành lập nhiều phòng khám khúc xạ đủ tiêu chuẩn tại các quận huyện, hỗ trợ chương trình chăm sóc mắt học đường, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tật khúc xạ. Theo số liệu khảo sát của Viện Khoa học và giáo dục Việt Nam, tỷ lệ tật khúc xạ trong học sinh cấp 1 là 18,67%, cấp 2 là 23,4% và cấp 3 đến 32,68%. Học sinh khu vực thành thị mắc tật khúc xạ cao hơn nhiều so với ngoại thành.
NG.KHÁNH - TR.NGỌC