Hơn 4 triệu trẻ em đã được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân

Bộ Tư pháp vừa cho biết, đến nay, đã có 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chỉ trừ tỉnh Lâm Đồng) đã chính thức áp dụng Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp.

 Hệ thống đã ghi nhận có gần 18.000 công chức làm công tác hộ tịch tại gần 11.000 UBND cấp xã, gần 700 Phòng Tư pháp cấp huyện và 62 Sở Tư pháp cấp tỉnh tham gia tác nghiệp hàng ngày. Đã có gần 9,7 triệu hồ sơ đăng ký khai sinh (trong đó có hơn 4 triệu trẻ em được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân); gần 2,3 triệu hồ sơ đăng ký kết hôn; 1,55 triệu hồ sơ đăng ký khai tử; gần 3 triệu hồ sơ đăng ký các sự kiện hộ tịch khác. Tổng số thông tin công dân được thu thập trên hệ thống là gần 35 triệu thông tin.

Bên cạnh đó, có 7 địa phương đang được Bộ Tư pháp hỗ trợ triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến thông qua hệ thống do Bộ Tư pháp xây dựng (gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai, Hà Giang, Bình Dương, Bắc Kạn, Bến Tre, Quảng Nam), tạo thuận lợi tối đa cho người dân.

Bộ Tư pháp nhận định, thể chế pháp luật về công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được hoàn thiện. Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ ban hành và toàn ngành đang tích cực triển khai Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 02/03/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch; Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành theo thẩm quyền 3 Thông tư trong lĩnh vực hộ tịch, chứng thực. Việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024, gắn với thực hiện Luật Hộ tịch tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng

Tin cùng chuyên mục