Hơn 800 đại biểu dự Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2019

Hội Doanh nghiệp TPHCM vừa tổ chức họp báo về Diễn đàn kinh tế TPHCM 2019 do UBND TPHCM chủ trì, diễn ra vào ngày 18-10 tới. Diễn đàn dự kiến có hơn 800 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành trung ương, cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh đạo Ngân hàng Thế giới; các tổ chức quốc tế như IMF, IFC cùng nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước và nước ngoài. 

Với chủ đề “Phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”, diễn đàn nhằm mục tiêu tiếp nhận các ý kiến đóng góp của diễn giả về các lĩnh vực kinh tế - xã hội của TP nói chung; các đề án, mục tiêu, chương trình trọng điểm của TP nói riêng.

Đặc biệt, những trao đổi, đóng góp của các chuyên gia sẽ góp phần định hướng, xây dựng Đề án phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế xoay quanh 4 chủ đề chính: hiện trạng, mục tiêu và lộ trình thực hiện; bài học kinh nghiệm từ các trung tâm tài chính thế giới; hình thành hệ sinh thái cho sự phát triển của một trung tâm tài chính quốc tế; định hướng chính sách quốc gia và vai trò của chính quyền TP để xây dựng TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế…

Chia sẻ tại buổi họp báo, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, cho rằng để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, TPHCM cần phải là trung tâm tài chính quốc gia.

Chính phủ phải có chính sách và cam kết mạnh mẽ về việc này và TPHCM chỉ là nơi thực hiện. Nhìn vào các điều kiện tự nhiên và kinh tế thì TPHCM là trung tâm đầu mối lớn của cả vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước nên có điều kiện để trở thành trung tâm tài chính lớn.

Tuy nhiên, thách thức trong quá trình thực hiện chính là sự cạnh tranh gay gắt, bởi hầu như quốc gia nào cũng muốn trở thành trung tâm tài chính trên thế giới.

Do vậy, muốn thành công phải có sự đột phá đến từ các yếu tố như chính sách của quốc gia, tầm nhìn và quyết tâm tự thân của TPHCM trong chiến lược xây dựng TP thành trung tâm dịch vụ, thương mại, đầu tư. Để làm được, TPHCM phải giải quyết cùng lúc giải nhiều bài toán, đặc biệt là hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực.

Theo TS Tự Anh, nếu Trung ương có quyết sách chọn TPHCM để phát triển là trung tâm tài chính của quốc gia và sau đó tiến tới khu vực thì có thể chúng ta thực hiện trong vòng 15-20 năm sẽ hoàn thành.

Nhưng nếu không có những quyết sách lớn, cộng với quyết tâm thực hiện của TPHCM thì không ai có thể trả lời chính xác là bao giờ TPHCM mới chạm đến mục tiêu này. Thời gian để thực hiện là do chúng ta quyết định chứ không thuần túy phụ thuộc vào những điều kiện khách quan. 

Tin cùng chuyên mục