Chiếc tàu khách cao tốc sơn màu trắng rời bến đậu Rạch Giá xé nước lao ra biển, đưa chúng tôi hướng tới Hòn Tre, huyện lỵ Kiên Hải của tỉnh Kiên Giang.
Nước biển Tây ngả màu lục, khác với nước biển Đông xanh màu dương quen thuộc. Đường ra đảo chỉ chưa đầy một giờ (nhưng nếu đi tàu khách thường cũng phải mất vài giờ)… Cầu tàu Hòn Tre vươn dài ra biển, khá thuận lợi, chắc chắn.
Chúng tôi xách hành lý về nhà khách ủy ban, lúc đó cũng mới xây dựng, rộng rãi, khang trang, nổi bật lên như một khách sạn hai tầng nhìn ra vụng biển rất đẹp. Các phòng đã chật hết, phải đến chiều chúng tôi mới nhận được phòng dù có báo trước. Khách nghỉ lại đây phần lớn là những người trẻ tuổi; có tàu cao tốc, có khách sạn, họ từ đất liền ra đảo vào những ngày nghỉ cuối tuần, chơi thoải mái...
Chúng tôi dạo quanh thị trấn nhỏ và ghé nhà ông Âu Văn Em, một trong những người cao tuổi, sinh ra và cư ngụ lâu năm trên đảo này… Ông Em dáng vẻ đúng là một ông già… phố thị vì tuy ông sống lâu năm trên đảo nhưng trong mấy dãy phố chợ ồn ào, tấp nập có những căn nhà giờ nền đã lát gạch men bóng lộn, bán đủ thứ hàng của một thị trấn đất liền.
Ông là cháu gọi bà Âu Thị Ét bằng cô ruột, bà này là vợ của một người Pháp được chính phủ Pháp ở Đông Dương hồi đó cho phép khai khẩn đảo đầu tiên. Tên ông Tây viết bằng tiếng Pháp ra sao, ở đây không ai nhớ, người ta chỉ đọc theo âm Việt: Lơ Đít Tua; và ông cũng có tên Việt là Lê Đức Tâm, nhại theo âm Pháp. Dấu tích của ông còn sót lại nơi đây là mô hình đảo Hòn Tre (hay còn gọi Hòn Rùa) đắp nổi bằng xi măng giống hình con rùa.
Dân Hòn Tre sống chính bằng các nghề buôn bán, dịch vụ... và từ lâu là một địa bàn hậu cần cho nghề cá của biển Rạch Giá. Một phần không nhỏ cư dân có vườn cây ăn trái mênh mông trên núi, nhiều nhất là xoài, mít, dừa… Người sống bằng nghề biển không nhiều. Cũng dễ hiểu: tuy sống ở đảo, nhưng lại gần đất liền, ít vốn liếng, người ta thu nhập bằng buôn bán, dịch vụ, trồng trọt… vẫn thuận hơn làm biển.
Còn những người thích nhậu thì bắt mối ngay với mấy cô cậu bé mang bàn ghế nhựa và ghẹ tươi ra “tiếp thị”. Cũng đã có nhiều du khách đặt chân đến nên rác vứt lung tung dù các cô cậu bé đã ra sức dọn để đón khách mới. Các cô cậu bé lại rất lễ phép, không chèo kéo, cũng không nịnh nọt, dễ thương như những em học trò. Một bạn nữ thấy vậy liền cho một em quả táo. Em từ chối mãi không được bèn lấy dao bổ ra, mời các cô các chú ăn trước, rồi em mới dám ăn.
Trời trưa gió mát, biển xanh rờn vỗ vào bãi nhỏ. Đột nhiên, bầy ve trên cành đồng loạt cất lên bản nhạc điếc tai. Có người bảo rằng ve ở đâu cũng hát cùng một cao độ: đó là nốt la, không tin cứ đo thử. Chúng tôi chỉ có bút chứ làm gì có diapason (dụng cụ phát thanh âm la mẫu), nhưng chẳng có căn cứ nào nên cũng không ai cãi… Mọi người im lặng, mơ màng nghe nhạc ve trên đảo mà bây giờ hiếm có dịp được nghe…
Trời ngả chiều. Chúng tôi ra về theo con đường mòn vắt ngang qua đảo. Dốc lên thoai thoải, cây cối rợp bóng mát như một đường làng. Phần lớn là cây ăn trái, xoài, mít, dừa… Chúng tôi đã mua mít trên chiếc xe đẩy ở cầu tàu, chắc là bán cả về đất liền. Còn xoài trái nhỏ nắm được trong lòng bàn tay nhưng thật ngọt thanh… Những ống nhựa mềm, nhỏ bằng ngón tay chạy chi chít trên mặt đất, dẫn nước ngọt từ núi, chảy về mỗi hộ dân dưới bãi.
Thỉnh thoảng, bắt gặp nhà trên núi, những ngôi nhà gỗ mái lá trong khu vườn xoài tàn che mát rượi, và những hòn đá nhẵn thín, nhiều hình nhiều vẻ, mịn màng vây quanh thật nên thơ. Tôi có một người bạn ở Hà Nội ra ngoại ô cất nhà mới, đã mua một hòn đá nhỏ hơn rừng đá ở đây nhiều với giá gần chục triệu đồng. Mỗi khi đến nhà bạn, nhìn hòn đá, gốc cây... tâm hồn thấy thư thái hơn...
Chợt nhớ câu thơ của Ôn Như Hầu: Thoát trần một gót thiên nhiên / Cái thân ngoại vật là tiên trong đời... thì việc ra đảo nằm nghe ve hát chẳng thú vị sao
TRẦN THANH GIAO